Trang chủ Sức khỏe 4 cách giảm thiểu nguy cơ bị ung thư cổ tử cung

4 cách giảm thiểu nguy cơ bị ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là một trong hai dạng ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nó rất nguy hiểm nhưng không phải quá khó để phòng tránh.

GiamUngThu

Bạn nên tiêm vaccin phòng ngừa HPV để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có 500.000 trường hợp ung thư cổ tử cung mới mắc và 250.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này trên toàn cầu. Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung chưa rõ nhưng nghiên cứu cho thấy có các yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung: nhiễm trùng cổ tử cung bởi vi rút có tên là human papilloma virus (HPV), quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình hoặc bạn tình có quan hệ tình dục với nhiều người, hút thuốc lá, suy giảm hệ thống miễn dịch, sinh nhiều lần, quan hệ tình dục không dùng bao cao su.

Chị em hãy thực hiện những cách đơn giản dưới đây để phần nào giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung nói riêng và duy trì sức khỏe sinh sản nói chung nhé:

Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng

Theo báo cáo của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, 1/3 trong số các ca tử vong do ung thư cổ tử cung có liên quan đến việc chọn sai chế độ ăn uống. Ung thư cổ tử cung có thể được ngăn ngừa với các loại thực phẩm nhất định do chất chống ung thư và chất chống oxy hóa có trong thực phẩm. Một số loại thực phẩm có khả năng chống ung thư, vô hiệu hóa ảnh hưởng của các gốc tự do làm thúc đẩy sự phát triển ung thư cổ tử cung.

Chế độ ăn uống phòng ngừa ung thư cổ tử cung nhất thiết phải đầy đủ vitamin các nhóm, đặc biệt là vitamin A, C, E và canxi. Vitamin A, C và E là chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại bởi các gốc tự do gây ra, từ đó ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Axit folic cũng có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể chống lại HPV.

Bạn nên ăn nhiều những loại thực phẩm dưới đây:

– Thực phẩm giàu vitamin A bao gồm cam, cà rốt, bí, trứng, gan, cá ngừ và các sản phẩm từ sữa…

– Thực phẩm giàu vitamin B, folate bap gồm: bông cải xanh, súp lơ, cải bắp và rau xanh…

– Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa khác cũng có tác dụng phòng ngừa ung thư cổ tử cung bao gồm: quả việt quất, bí, ớt chuông, anh đào, cá hồi và cá béo…

– Thực phẩm có chất polyphenol và flavonoid (các chất chống oxy hóa) bao gồm trà xanh, dầu ô liu, nho đỏ, quả mâm xôi đen, mâm xôi, rượu vang đỏ, sô cô la, quả óc chó, bưởi, cà chua, đậu đỏ và màu xanh lá cây ớt, đậu phộng và lựu…

Tiêm vaccin phòng ung thư cổ tử cung

Hiện nay đã có hai loại vaccin có sẵn để ngăn chặn HPV gây ra bệnh ung thư cổ tử cung ở người. Cervarix và Gardasil là 2 vaccin đã được dùng để ngăn ngừa một số bệnh ung thư hậu môn, âm hộ, và âm đạo. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như các cơ quan y tế công cộng tại Úc, Canada, Châu Âu và Hoa Kỳ luôn khuyến khích các phụ nữ trẻ nên chủng ngừa để phòng tiền ung thư cổ tử cung, và cũng giúp giảm kinh phí điều trị ung thư cổ tử cung hàng năm cho chính phủ.

Tại Việt Nam, có hai loại vắc xin phòng ngừa HPV là Gardasil (phòng ngừa ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo và âm hộ do nhiễm vi rút HPV type 6, 11, 16 và 18 được cấp phép sử dụng cho nữ từ 9 – 26 tuổi) và Cervarix (phòng ngừa ung thư cổ tử cung do vi rút HPV type 16 và 18 được khuyến cáo sử dụng cho nữ từ 10 – 55 tuổi). Liệu trình tiêm chủng của 2 loại đều bao gồm 3 mũi. Nhóm tuổi từ 9 đến 13 là nhóm dân số được hưởng lợi ích nhiều nhất bởi vắc xin phòng ngừa HPV, vì đây là nhóm dân số chuẩn bị bước vào giai đoạn quan hệ tình dục do đó hầu như chưa nhiễm bất kỳ type HPV nào.

Khám phụ khoa định kỳ và tầm soát ung thư cổ tử cung

Khoảng 30% trường hợp ung thư cổ tử cung không thể phòng tránh bởi các vắc xin phòng chống HPV hiện nay, do đó tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap vẫn cần duy trì cho tất cả các phụ nữ, ngay cả đối với những phụ nữ đã được tiêm ngừa vắc xin HPV.

Phụ nữ bắt đầu từ 21 tuổi hoặc bắt đầu có quan hệ tình dục nên đi khám phụ khoa định kỳ ít nhất mỗi năm một lần để phát hiện và điều trị các bệnh phụ khoa thường gặp. Trong quá trình khám bác sĩ cũng sẽ tư vấn phòng tránh các bệnh phụ khoa và thực hiện xét nghiệm Pap. Thời điểm bắt đầu thực hiện xét nghiệm Pap bắt đầu từ tuổi 21, hoặc trong vòng 3 năm sau lần quan hệ tình dục đầu tiên ngay cả đối với người nhỏ hơn 21 tuổi. Thời điểm ngưng không thực hiện xét nghiệm Pap là 70 tuổi.

Lối sống lành mạnh

Theo TS. Teresa Norat, phụ trách nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Imperial Luân Đôn, Nếu bạn tập thể dục hàng ngày và không bị quá cân, như thế bạn giảm được đáng kể nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, bạn sẽ cải thiện được nhiều tình trạng sức khỏe nói chung, điều mà không thể bỏ qua.

Bên cạnh đó, khói thuốc làm suy yếu khả năng phòng vệ của cơ thể. Tình trạng nhiễm HPV kéo dài lâu hơn ở những phụ nữ hút thuốc, và điều này làm tăng rủi ro mắc bệnh ung thư cổ tử cung.

Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nhiều bạn tình cũng có rủi ro mắc bệnh ung thư cổ tử cung cao hơn hẳn so với những người chung thủy.

Hãy nghiêm chỉnh chấp hành những phương pháp trên để giảm thiểu nguy cơ ung thư cổ tử cung nói riêng và duy trì sức khỏe cho cơ thể nói chung nhé.

Đánh giá bài viết
Exit mobile version