Trang chủ Nấu ăn 4 món lẩu hấp dẫn cho tất niên

4 món lẩu hấp dẫn cho tất niên

Chị em cũng có thể làm những nồi lẩu nóng hổi này để cho chồng đãi bạn dịp tất niên nhé!

Lẩu riêu cua gà ta

Nguyên liệu:

– Cua đồng: 500g – 1kg (tùy theo số lượng người ăn); gà ta: 1 con hoặc ½ con tùy số lượng người ăn, nên chọn gà trống từ 1.8kg trở lên.

– Đậu phụ: 5 – 6 bìa; măng chua: 500g; mẻ, dấm bỗng hoặc me chua, quả dọc: tùy khẩu vị; cà chua: 3-5 quả thái miếng cau; rau sống: xà lách, mùi tàu, hành lá, tía tô, một số loại nấm, chanh, ớt…

– Rau muống, cải chíp hoặc cải thảo.

– Bún sợi nhỏ hoặc miến.

– Gia vị chanh, ớt hoặc xì dầu để chấm.

4-mon-lau-hap-dan-cho-tat-nien-1

Cách làm:

– Đậu khuôn cắt miếng nhỏ bày ra đĩa.

– Các loại rau nhúng, rau thơm, xà lách rửa sạch, ngâm qua nước muối loãng rồi vớt ra rổ để ráo nước, khi ăn bày ra đĩa. Rau cải chip cắt rời phần gốc khoảng 2-3cm để trang trí.

– Nấm linh chi, nấm kim châm cắt khúc rửa qua nước muối loãng rồi bày ra đĩa.

– Măng thái miếng mỏng cho vào nồi luộc cùng chút muối, rửa sạch qua nước lã.

Mẻ đã ngấu lọc lấy nước để vào một bát con, có thể dùng quả dọc hoặc quả me thay thế. Tuy nhiên món này muốn ngon thì không thể thiếu mẻ và dấm bỗng.

– Gà làm sạch chặt miếng nhỏ vừa ăn.

Phần đầu, cổ, chân và cánh cho vào nồi ninh lấy nước dùng, phần còn lại bày ra đĩa.

Cua làm sạch, cho vào một chút muối giã nhuyễn hoặc xay bằng máy xay sinh tố rồi lọc lấy nước, gạch cua khều riêng ra một bát nhỏ. Nêm gia vị vào nồi nước cua bắc lên bếp, khuấy nhẹ đều tay cho đến khi canh sôi và gạch cua nổi lên thì vặn nhỏ lửa. Dùng muôi gạt hết riêu cua vào cạnh nồi cho kết lại thảnh từng mảng rồi tắt bếp. Bạn có thể vớt riêu cua ra một cái bát rồi ăn đến đâu thả dần vào nồi nước lẩu đến đó để riêu khỏi bị vỡ.

– Cho dầu ăn vào chảo, phi hành khô băm nhỏ cho thơm vàng, cho gạch cua vào xào chín cùng một xíu nước mắm rồi trút ra bát. Tiếp tục cho cà chua thái miếng cau vào xào chín tới, không nên xào chín và nát quá.

– Chế nước dùng cua và nước dùng gà vào nồi lẩu, cho mẻ vào, nêm thêm một chút dấm bỗng rồi đun sôi, nêm lại gia vị cho vừa ăn, tiếp đến cho cà chua, gốc rau cải chíp rồi thả riêu cua vào, rưới gạch cua lên riêu cua cho dậy màu, nồi nước lẩu trông sẽ rất hấp dẫn.

Khi ăn thả thêm chút hành lá, gốc hành hoặc củ hành tươi cắt lát mỏng, măng chua… Cho thịt gà vào nấu chín cùng với nấm, ăn kèm với bún hoặc mỳ. Món lẩu riêu cua gà ta này đảm bảo sẽ làm cả nhà hài lòng.

Lẩu riêu cua bắp bò, sườn sụn

Nguyên liệu:

– Cua đồng: 500g – 1kg (tùy theo số lượng người ăn); sườn sụn: 500g; bắp bò: 500g; đậu phụ: 5 bìa – 10 bìa; mẻ, dấm bỗng hoặc me chua, quả dọc: tùy khẩu vị.

– Mắm tôm: 1 muỗng nhỏ (có thể bỏ qua nếu bạn không thích), nhưng mắm tôm làm nên mùi vị rất đặc trưng cho món lẩu riêu cua, khiến cho nước lẩu đậm đà hơn. Nếu nêm mắm tôm thì phải nêm lúc chưa nấu, nếu không mắm tôm sẽ tỏa hương tưng bừng.

– Cà chua: 3-5 quả thái miếng cau.

– Rau sống: rau muống chẻ, hoa chuối, thân chuối non, xà lách, mùi tàu, hành lá, tía tô, kinh giới, giá đỗ, chanh, ớt…Thêm ít rau muống nhỏ ngọn nếu thích ăn nhiều rau.

– Bún sợi nhỏ.

– Gia vị chanh, ớt hoặc xì dầu, nước mắm để chấm thêm.

Cách làm:

– Sườn sụn chần qua nước sôi, ướp hành khô băm nhỏ, gia vị và một chút nước mắm xào sơ qua, cho nước vào ninh bằng nồi áp suất khoảng 10 phút cho mềm.

– Cua làm sạch, cho vào một chút muối giã nhuyễn hoặc xay bằng máy xay sinh tố rồi lọc lấy nước, gạch cua khều riêng ra một bát nhỏ. Nêm một muỗng nhỏ mắm tôm và gia vị vào nồi nước cua bắc lên bếp, khuấy nhẹ đều tay cho đến khi canh sôi và gạch cua nổi lên thì vặn nhỏ lửa. Dùng muôi gạt hết riêu cua vào cạnh nồi cho kết lại thảnh từng mảng rồi tắt bếp. Bạn có thể vớt riêu cua ra một cái bát rồi ăn đến đâu thả dần vào nồi nước lẩu đến đó để riêu khỏi bị vỡ.

– Cho dầu ăn vào chảo, phi hành khô băm nhỏ cho thơm vàng, cho gạch cua vào xào chín cùng một xíu nước mắm rồi trút ra bát. Tiếp tục cho cà chua thái miếng cau vào xào chín tới, không nên xào chín và nát quá.

– Đậu khuôn cắt miếng nhỏ rán vàng, bày ra đĩa. Bắp bò thái mỏng bày ra đĩa. Trước khi thái cho thịt bò vào ngăn đá khoảng 15 phút thái sẽ dễ dàng hơn và trình bày cũng đẹp mắt hơn.

– Rau sống rửa sạch, ngâm qua nước muối loãng rồi vớt ra rổ để ráo nước, khi ăn bày ra đĩa. Hoa chuối thái nhỏ dùng để nhúng dần trong khi ăn.

– Mẻ đã ngấu lọc lấy nước để vào một bát con, có thể dùng quả dọc hoặc quả me thay thế. Nhà mình nuôi được mẻ nên hay dùng mẻ hơn. Mẻ, dấm bỗng, mắm tôm làm nên hương vị đặc trưng của món lẩu riêu cua.

– Chế nước dùng cua và nước ninh sườn sụn vào nồi lẩu, vớt sườn sụn thả vào cùng với cà chua đã xào chín. Cho mẻ vào, nêm thêm một chút dấm bỗng rồi đun sôi, nêm lại gia vị cho vừa ăn, tiếp tục thả riêu cua vào, rưới gạch cua lên riêu cua cho dậy màu. Khi ăn thả thêm chút hành lá, gốc hành hoặc củ hành tươi cắt lát mỏng, mấy lát đậu đã rán vàng, một nhúm hoa chuối sẽ được nổi nước lẩu thật sinh động. Nhúng thịt bò ăn kèm với bún, sườn sụn giòn mềm cùng với rau sống, không còn gì tuyệt vời hơn.

Lẩu nấm

Món lẩu nấm thanh ngọt sẽ giúp cân bằng lại cơ thể, chuẩn bị năng lượng tràn đầy cho nhịp sống ngày càng hối hả và bận rộn.

Nguyên liệu:

– 300g xương heo.

– 100g nấm kim châm; 100g nấm đông cô; 100g tôm tươi; 100g tàu hũ tươi (váng đậu); 100g chả xoắn của Nhật; 100g bắp non.

– 1 bó nhỏ rau tần ô (cải cúc); 10g muối; 50g bột nêm; 1kg bún.

Thực hiện:

Rửa sạch xương heo. Đặt một chiếc nồi lên bếp, cho xương heo và nước sạch vào xâm xấp mặt xương, mở lửa lớn. Nấu khoảng 5 phút để xương ra chất dơ, tắt bếp và đổ phần nước dơ đi. Sau đó, cho thêm 1.2 lít nước sạch vào, nêm 10g muối, 50g bột nêm và mở lửa vừa, hầm xương trong 45 phút.

Sơ chế nguyên liệu ăn kèm:

Luộc chín, bóc vỏ trứng cút. Bỏ gốc, rửa sạch, để ráo bắp non. Rửa sạch, cắt lát mỏng chả Nhật. Bỏ gốc, rửa sạch nấm kim châm, nấm đông cô và rau tần ô. Rửa sạch, bỏ đầu tôm. Rửa sạch, cắt miếng vừa ăn tàu hũ.

Khi nước lẩu chín, lần lượt cho nguyên liệu vào trụng theo thứ tự bắp non, nấm đông cô, chả Nhật, trứng cút, nấm kim châm, tần ô, tôm và tàu hũ. Lẩu được ăn kèm với bún.

Lưu ý:

– Trong quá trình hầm xương, có thể chú ý vớt bọt bẩn để nước lẩu được trong.

– Không nên trụng rau quá lâu, sẽ khiến rau bị nhũng mất ngon.

Lẩu mắm là “bản hòa tấu” tổng hợp các đặc sản sông nước với những sản phẩm ruộng đồng. Chính nhờ nguyên liệu phong phú, ngoài sự hấp dẫn về hương vị, món ăn này còn đem lại cho người thưởng thức sự bắt mắt về màu sắc.

Lẩu mắm

Lẩu mắm là một món đặc sản của miền Tây Nam Bộ. Nó chính là sự giao thoa văn hóa ẩm thực giữa người Khmer và người miền Nam trong quá trình khẩn hoang.

Nguyên liệu: (khẩu phần cho 4 người ăn)

– 400g xương heo; 200g mắm cá linh; 100g mắm cá sặc; 200g tôm tươi; 200g mực ống; 200g phi lê cá lóc; 200g thịt heo quay; Gia vị: 1 trái cà tím; 1 cây sả; 50g sả băm; 60g bột nêm; 60g đường; Dầu ăn.

– Các loại rau sống: rau nhút, rau đắng, đọt rau muống, bông súng,…

– 1 kg bún.

Thực hiện:

Rửa sạch, cắt khoanh tròn cà tím. Đặt một chiếc chảo lên bếp, cho một ít dầu cùng sả băm vào, mở lửa vừa. Khi sả tỏa mùi thơm, thả cà tím vào đảo đều khoảng 3 phút rồi tắt bếp.

Đặt một chiếc nồi nhỏ lên bếp, cho mắm cá linh và cá sặc cùng 400ml nước vào, mở lửa vừa. Nấu khoảng 10 phút để cá mềm, dẻo thì tắt bếp.

– Đem cá đi lược qua rây, bỏ xác, lấy nước mắm.Rửa sạch xương heo. Đặt một chiếc nồi lớn lên bếp, cho xương cùng nước sạch xâm xấp mặt xương vào, mở lửa lớn. Đun nóng khoảng 5 phút, tắt bếp, đổ bỏ phần nước cặn dơ. Cho thêm 2 lít nước sạch vào, mở lửa nhỏ, tiếp tục hầm xương trong 20 phút.

– Đập dập cây sả. Cho hỗn hợp nước mắm, sả cây, cà tím sả băm cùng 60g bột nêm và 60g đường vào nồi nước dùng, nấu thêm 10 phút nữa thì tắt bếp.

– Rửa sạch, sơ chế, cắt nhỏ cá lóc, tôm, mực.

– Cắt nhỏ, rửa sạch các loại rau sống ăn kèm.

– Lần lượt cho nguyên liệu vào nước lẩu theo thứ tự rau sống, cá, mực, tôm, heo quay.

Lẩu mắm được ăn kèm với bún.

Đánh giá bài viết
Exit mobile version