Móng tay giòn, vòng eo tăng, chân ngứa, xuất hiện nốt màu vàng quanh mắt là các dấu hiệu cảnh báo về tình trạng sức khỏe không tốt.
1. Kích thước vòng eo tăng
Theo Daily Mail, nếu vòng eo vượt quá 80 cm đối với nữ và 94 cm đối với nam, có thể bạn đang đối mặt với nguy cơ mắc tiểu đường.
Nguy cơ sẽ tăng khá cao nếu vòng eo lớn hơn 88 cm đối với nữ và 102 cm đối với nam.
Bệnh tiểu đường có thể gây nên hàng loạt vấn đề như mệt mỏi, mất khả năng tập trung, đi tiểu và uống nước nhiều. Nếu tiến triển trong thời gian dài, nó có thể tác động xấu tới thị lực, tuần hoàn máu và tuổi thọ.
Để phòng bệnh, bạn nên tập thể dục thường xuyên, thực hiện khẩu phần ăn khoa học, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện tiểu đường type-2 sớm.
2. Những nốt vàng xung quanh mắt và khuỷu tay
Xanthelasma là tên mà giới y khoa dùng để gọi hiện tượng những nốt mỡ cholesterol mọc xung quanh mắt và khuỷu tay. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy nồng độ cholesterol trong cơ thể tăng. Để xác định chính xác nguyên nhân, bạn nên thử máu khi đói và khắc phục tình trạng này bằng cách tập thể dục và thực hiện chế độ ăn khoa học.
Giới chuyên môn lo ngại tình trạng cholesterol tăng do nó có thể tác động xấu tới tim hoặc não (gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ).
3. Quầng thâm hình tròn dưới mắt
Nếu bạn thiếu ngủ, những vết thâm hình tròn sẽ xuất hiện quanh mắt. Tuy nhiên, chúng cũng có thể hình thành do hiện tượng dị ứng, mắt ngứa hay thói quen chà xát mũi. Nếu mắt ngứa thường xuyên, bạn nên dùng thuốc chống dị ứng.
4. Chân ngứa
Môi trường ẩm ướt có thể làm tăng nguy cơ nhiễm nấm khiến chân của bạn ngứa. Bạn có thể thấy một vảy trắng hoặc vết phát ban giữa các ngón chân hay dưới bàn chân.
Kem chống nấm có thể giúp bạn chấm dứt cảm giác ngứa. Ngoài ra, giữ gìn vệ sinh và làm khô chân thường xuyên cũng là biện pháp để ngăn chặn nhiễm nấm ở chân.
5. Những vết nứt quanh miệng
Đó là cách để cơ thể bảo rằng bạn nên tăng lượng thực phẩm giàu vitamin B và sắt như rau xanh, thịt nạc và trứng. Sau khi các vết nứt ở miệng xuất hiện, chúng có thể nhiễm trùng. Bạn có thể dùng thuốc đắp hoặc kem giữ ẩm để điều trị.
6. Vết phát ban gây ngứa dữ dội
Nếu đã sử dụng các loại kem nhưng các vết phát ban vẫn gây ngứa dữ dội, rất có thể bạn đã mắc bệnh Celiac. Đây là một bệnh lý đường ruột, phát sinh do hệ miễn dịch của cơ thể chống lại gluten.
Bệnh gây viêm và tổn thương niêm mạc ruột non, khiến cơ thể không thể hấp thụ dưỡng chất và da cũng chịu ảnh hưởng. Người bệnh có thể bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy, thiếu vitamin, tiêu phân mỡ. Nếu bệnh tồn tại quá lâu có thể gây tổn thương nghiêm trọng tới ruột.
Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh thông qua kết quả xét nghiệm máu. Để ngăn ngừa và điều trị bệnh, bạn phải tránh gluten (hạn chế các món ăn chế biến từ lúa mỳ).
7. Tóc mỏng
Nồng độ sắt trong cơ thể thấp có thể khiến tóc trở nên mỏng hơn. Để tìm hiểu nguyên nhân, bạn nên thử máu và thực hiện chế độ ăn gồm nhhuwnxg thực phẩm giàu sắt hoặc uống dược phẩm bổ sung sắt.
8. Móng tay giòn
Hiện tượng này thường xảy ra do móng tay tiếp xúc với môi trường ẩm ướt hoặc bạn thường xuyên sơn móng. Để điều trị, bạn nên giữ ẩm cho móng đều đặn và uống biotin (vitamin B7).
Tuy nhiên, móng giòn cũng có thể là triệu chứng của nhiễm nấm, vảy nến, bệnh tuyến giáp hay viêm khớp, bếu cơ thể xuất hiện thêm các triệu chứng như phát ban, mệt, khớp đau. Trong trường hợp này, bạn nên gặp bác sĩ để khám càng sớm càng tốt.
9. Táo bón
Đây là dấu hiệu cho thấy bạn cần tăng chất xơ và nước trong khẩu phần ăn hàng ngày. Con người cần chất xơ hòa tan và không hòa tan để ngừa táo bón và làm giảm lượng cholesterol trong máu.