Đôi khi bạn không biết rằng một số điều nhỏ nhặt trong chế độ dinh dưỡng có thể khiến bạn mệt mỏi.
1. Mất nước
Thiếu nước là nguyên nhân chính gây mệt mỏi cho cơ thể. Trong tình trạng mất nước, cơ thể con người bắt đầu kìm hãm một số chức năng, còn sau đó chuyển sang “tháo dỡ” các cấu trúc của mình. 1,5- 2 lít nước uống mỗi ngày có thể đảm bảo cho chúng ta đối phó với hầu như tất cả các bệnh, bao gồm cả mệt mỏi mãn tính, và thậm chí cả trầm cảm.
2. Ăn uống thất thường
Khi bận rộn các công việc hằng ngày, bạn thường không kịp ăn sáng hoặc trưa, tối, sau đó thì cố gắng bù lại bữa đã bỏ lỡ. Cơ thể khó lòng thích ứng được với sự thất thường đó. Việc ăn uống không đủ và thất thường không thể cung cấp cho bạn tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì sự khỏe mạnh được.
3. Chế độ ăn không hợp lý
Khi chế độ ăn uống của bạn có những “thiên lệch” về phía này hay khác, cơ thể sẽ đi vào trạng thái “ngủ đông”. Tình trạng dư thừa protein, chất béo hoặc carbohydrate trong ăn uống khiến hệ tiêu hóa phải làm việc hết sức vất vả.
4. Ăn kiêng thường xuyên
Tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất do ăn kiêng thường xuyên và nghiêm ngặt chính là nguyên nhân dẫn đến mệt mỏi mãn tính.
5. Lạm dụng thức uống chứa caffeine
Nhiều người, do muốn tỉnh táo để làm việc, liên tục uống cà phê, còn vào mùa hè thì uống nước ngọt có gas. Điều đáng nói là các thức uống chứa caffeine không chỉ gây mất nước mà còn khiến hệ thần kinh bị kích thích quá mức, cơ thể vì thế trở nên mệt mỏi.
6. Không nạp đủ chất xơ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh rằng hằng ngày chúng ta nên ăn ít nhất 35 gram chất xơ nhằm ngăn ngừa các vấn đề đường ruột, bảo vệ đường tiêu hóa trước nguy cơ bệnh tật, giúp giảm mức cholesterol, giảm hấp thu chất béo và làm chậm sự hấp thu đường sau bữa ăn, đối phó với nhiễm độc mãn tính. Tình trạng cơ thể thiếu chất xơ sẽ dẫn đến táo bón và hấp thu độc tố từ các chất trong ruột, kích thích mệt mỏi thường xuyên.
7. Hệ vi sinh đường ruột gặp trục trặc
Hệ vi sinh thân thiện cư trú trong ruột được ví như những chiến binh quên mình vì hệ miễn dịch. Nếu chúng ta không hỗ trợ các “đồng minh” thì cơ thể không chỉ hứng chịu sự mệt mỏi mà còn có nguy cơ nhiễm nhiều bệnh khác nhau, từ nhiễm trùng đường hô hấp thông thường đến các bệnh viêm nhiễm nghiêm trọng. Cần ăn các sản phẩm sữa chua lợi khuẩn để cân bằng các vi khuẩn tốt trong ruột.
8. Chế độ ăn thiếu rau, trái cây
Các sắc tố tạo cho trái cây hoặc rau có màu đỏ thẫm, xanh, hoặc tím… là những chất chống ôxy hóa mạnh, rất hữu ích cho sức khỏe. Thức ăn giàu chất chống ôxy hóa giúp ngăn ngừa không chỉ sự mệt mỏi mãn tính, mà còn các bệnh tim và ung thư. Khi ăn không đủ rau quả, cơ thể sẽ mệt mỏi.
9. Lạm dụng rượu
Một ly rượu vang trong bữa ăn trưa hoặc ăn tối cung cấp cho cơ thể chúng ta một loạt các vitamin, khoáng chất và chất chống ôxy hóa, giúp thư giãn và quên đi những vấn đề nói chung. Tuy nhiên, lạm dụng rượu lại gây ra tình trạng cơ thể bị mất nước. Khi uống rượu quá mức tiếp diễn từ ngày này qua ngày khác, bạn chắc chắn sẽ bị rơi vao tình trạng mệt mỏi mãn tính.