Ăn chay khi tập yoga nên hay không? Cơ thể con người cần thức ăn vì hai mục đích: làm nhiên liệu sản sinh ra năng lượng và làm nguyên liệu thô tái tạo bản thân. Một chế độ ăn tinh khiết, giàu thành phần thiên nhiên sẽ cung cấp cho cơ thể nhiên liệu để hoạt động hiệu quả nhất.
Đối với người tập yoga thì cơ thể là đền thờ, là phương tiện vận chuyển của linh hồn vì vậy cần đối xử với cơ thể bằng sự kính trọng và quan tâm chu đáo nhất. Vì vậy nên áp dụng chế độ ăn chay đơn giản với các loại thực phẩm tinh khiết, nguyên chất và bổ dưỡng để vừa cung cấp đủ năng lượng thiết yếu cho cuộc sống nhưng vẫn duy trì sự thanh khiết cho thể xác và tinh thần.
Một số người mới thực hành yoga thường lo ngại rằng khi ăn chay thì họ sẽ không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thế. Tuy nhiên đó chỉ là lầm tưởng mà thôi. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm rằng một chế độ ăn chay hợp lý khoa học sẽ đem lại đầy đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể, và hơn thế nữa, ăn chay còn giúp ngăn ngừa nhiều bệnh tật. Khoa học chứng minh rằng, hệ tiêu hóa của con người hoạt động hiệu quả nhất khi dùng thực phẩm chay. Những người ăn chay có mức cholesterol thấp và ít mắc các chứng bệnh về tim mạch.
Tỷ lệ mắc các bệnh nan y như ung thư thấp hơn 40% so với người ăn thịt. Họ ít mắc các bệnh như viêm khớp, tiểu đường, cao huyết áp, ngộ độc thức ăn và nhiều bệnh khác.
Không chỉ có những lợi ích về mặt sức khoẻ thể chất, việc ăn chay còn đem lại nhiều tác dụng tích cực đối với tinh thần. Khi thực hành yoga thì một trong những nguyên tắc quan trọng nhất là Ahimsa – Phi bạo lực. Không làm tổn thương mọi sinh vật là giới luật đầu tiên phải giữ của Raja Yoga.
Hơn thế nữa, đã có nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng khi những con thú bị giết phục vụ cho việc làm thức ăn cho con người, chúng sợ hãi, đau đớn và khi đó, chúng tiết ra một thứ chất độc ngấm vào từng thớ thịt và mạch máu. Tất cả những sợ hãi, đau đớn của con thú khi bị giết thịt sẽ đi vào cơ thể người ăn. Điều này khiến khiến cảm xúc của con người ngày càng trở nên khó kiểm soát.
Yoga phát triển chân tính trong sạch trong mỗi con người và chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình này. Các kinh sách cổ xưa của yoga chia thực phẩm thành ba loại: Một là Rajasic (kích thích), tiêu biểu như hành, tỏi, cà phê… Loại thức ăn này khiến tinh thần bất an, hủy hoại sự thăng bằng giữa cơ thể và tinh thần. Hai là Tamasic (không tinh khiết và thối rữa) như thị, cá, trứng… Thực phẩm loại này không mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể và tinh thần mà còn khiến con người trở nên uể oải và lười nhác.
Những tu sĩ yoga thường tránh dùng loại thực phẩm này vì chúng gây nên sự trì trệ, mệt mỏi. Ba là Sattvic (thực phẩm tinh khiết) gồm trái cây tươi và khô, rau củ, các loại nước ép, các loại hạt, bánh mì… Thức ăn loại này dễ tiêu và cung cấp năng lượng tối đa cho cơ thể, tăng sinh lực, sức mạnh và sự dẻo dai, giúp tinh thần thư thái và trí tuệ minh mẫn. Những người luyện tập yoga lâu năm thường tuân thủ một chế độ ăn gồm toàn là thực phẩm Sattvic và hạn chế tối đa hai loại thực phẩm còn lại.
Nguyên tắc dinh dưỡng trong yoga:
– Duy trì ăn đúng giờ. Nếu không đói có thể bỏ qua bữa chờ tới bữa ăn kế tiếp.
– Ăn chậm, thưởng thức hương vị của thức ăn. Hãy nhớ “Thức ăn bắt đầu được tiêu hóa ngay từ trong miệng”
– Trong một bữa ăn chỉ ăn tối đa bốn hoặc năm loại thực phẩm để tránh gây trở ngại cho hệ tiêu hóa.
– Cố gắng để dạ dày chứa ½ là thức ăn, ¼ là nước và ¼ để trống.
– Giữ thái độ bình thản khi ăn.
– Thay đổi dần chế độ ăn một cách khoa học và hợp lý để giảm tải cho hệ tiêu hóa.
– Trước bữa ăn hãy nhớ tới đấng thiêng liêng để có cảm giác hạnh phúc khi ăn.
– Cố gắng nhịn đói một tuần một lần.
– Hằng ngày dùng ít nhất một lần món xà lách tươi.
– Hãy nhớ “Ăn để sống chứ không phải sống để ăn”.
Một thực đơn tiêu biểu cho những người tập yoga cần đảm bảo những điều cơ bản sau:
Gồm nhiều hoa quả tươi và các thực phẩm ít quá chế biến, những thực phẩm mang tính tinh khiết.
Tránh hầm quá nhừ các loại rau củ vì sẽ làm mất đi vitamin và khoáng chất.
Trong các bữa ăn chính cần có các loại ngũ cốc nhiều năng lượng và đạm như gạo, khoai tây và bánh mì…
Với những người thừa cân có thể thay thế bữa chính với các thực phẩm như: bún, miến, khoai lang…
Uống nhiều nước trong ngày. Cơ thể rất cần nước cho nhiều hoạt động như tiêu hóa luân chuyển dưỡng chất đi nuôi dưỡng cơ thế. Ngoài nước lọc nên bổ sung thêm các loại nước trái cây, sữa đậu nành…
Với những người gầy, yếu hoặc làm việc nặng cần nhiều năng lượng thì nên bổ sung thêm vào thực đơn ăn chay những loại thực phẩm từ động vật tuân thủ theo nguyên tắc không sát sinh như: sữa tươi, bơ…