Phô mai rất giàu giá trị dinh dưỡng đồng thời phô mai còn hỗ trợ phòng ngừa sâu răng rất hiệu quả.
Phô mai có nguồn gốc từ sữa, được “cô đặc” nên có hàm lượng đạm, chất béo, vitamin A, D và B12 đặc biệt hàm lượng canxi rất cao trong một thể tích nhỏ.
Riêng về canxi, với cùng trọng lượng thì hàm lượng trong phô mai cao gấp 6 lần trong sữa, lại chứa vitamin D nên có tác dụng tốt cho hấp thu canxi vào xương.
Ngoài ra, phô mai tốt cho sức khỏe của răng vì phô-mai là thức ăn tạo ra kiềm, giúp giảm độ axit ở miệng – tức làm trung hòa axit bào mòn răng, nhờ hàm lượng canxi cao.
Phô mai làm tăng lượng nước bọt trong miệng – một phương pháp tự nhiên của cơ thể để duy trì độ pH có lợi cho sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, hành động nhai phô mai còn làm giải phóng các hợp chất hóa học giúp tạo ra một lớp màng bảo vệ răng, nhờ đó tiếp tục bảo vệ răng chống lại các axit tấn công men răng.
Để phô mai phát huy tác dụng tốt nhất thì chỉ nên ăn trong bữa phụ, hoặc kết hợp với các sản phẩm như phết vào bánh mì, trộn vào bột, cháo… Đặc biệt, khi kết hợp như vậy cần bớt đi một chút thịt, cá kèm theo, giảm dầu ăn, mỡ để tránh tình trạng thừa chất.
– Phô mai thường dùng để ăn ngay (giống như một loại bánh) hoặc được nghiền nhuyễn, kẹp chung với bánh mì.
– Có thể nghiền/xay phô mai chung với hoa quả (xoài, chuối, bơ…).
– Có thể nghiền phô mai với nước ấm thành hỗn hợp sền sệt.
– Phô mai có thể dùng để khuấy chung với cháo, khi cháo chín, tắt bếp, bắc xoong xuống, để nguội khoảng 80 độ C rồi cho lượng phô mai phù hợp vào dầm tan. Đây là cách tốt nhất giữ cho phô mai không bị biến chất và mất chất
– Có thể nấu chung phô mai với bột gạo hoặc mì ống; trộn chung với đậu phụ khi chế biến món ăn. Bạn nên chọn những thực phẩm phù hợp với vị phô mai như khoai tây, cà rốt, thịt bò, gà, tôm. Không nên nấu chung với cua, lươn, rau mồng tơi, rau dền.