Trong quá trình điều trị bệnh nhân có triệu chứng phù, ngoài việc thực hiện nguyên tắc chung như bảo đảm chất lượng và tỷ lệ cân đối giữa các chất dinh dưỡng, khẩu phần ăn trong ngày chia nhỏ thành nhiều bữa, thức ăn mềm, dễ tiêu, kích thích được vị giác của bệnh nhân… thì việc hạn chế ăn muối là một liệu pháp rất tốt giúp bệnh nhân mau khỏi bệnh hoặc làm giảm mức độ tiến triển của bệnh, giảm các biến chứng nguy hiểm.
Tuy nhiên, tùy theo từng bệnh cụ thể mà người ta áp dụng cho bệnh nhân một chế độ ăn hạn chế muối tuyệt đối hoặc hạn chế muối tương đối.
Chế độ ăn hạn chế muối tuyệt đối:
Khi áp dụng chế độ ăn hạn chế muối tuyệt đối, bệnh nhân phải ăn nhạt hoàn toàn, khi nấu không được cho muối. Ngoài ra còn phải kiêng các loại thực phẩm thiên nhiên có sẵn một lượng muối như cá biển, sữa bò, trứng, cà rốt, rau muống. Các loại thực phẩm phù hợp với những bệnh nhân này là cháo đường, sữa đậu nành, rau cải luộc, nước hoa quả tươi.
Chế độ ăn hạn chế muối tương đối:
Chế độ ăn hạn chế muối tương đối không được cho thêm muối khi chế biến thức ăn, nhưng được phép ăn các loại thực phẩm tự nhiên có chứa sẵn muối như thịt, trứng, sữa bò, rau muống, cà rốt… được chế biến dưới dạng súp, cháo đặc hoặc loãng tùy theo sở thích của người bệnh. Cũng có thể ăn cháo trứng, thịt băm, rau luộc, cá rán… để đổi bữa cho bệnh nhân ăn ngon miệng.
Trường hợp bệnh nhân bị suy tim chỉ còn phù nhẹ có thể cho thêm một ít muối khi chế biến thức ăn nhưng không được ăn quá 2g muối mỗi ngày.