Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật nhưng theo một nghiên cứu mới, phần lớn các chứng đột quỵ có thể phòng ngừa.
Giới nghiên cứu phát hiện ra rằng, có 10 yếu tố gây nguy cơ đột quỵ cao kiểm soát tới 90% các trường hợp đột quỵ trên toàn thế giới. Trong số đó, huyết áp cao (tăng huyết áp) đóng vai trò lớn nhất, nhưng lại hoàn toàn có thể thay đổi tình trạng này.
“Nghiên cứu khẳng định rằng, kiểm soát huyết áp sẽ là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong việc giảm thiểu gánh nặng bệnh nhân đột quỵ trên toàn cầu”, Tiến sĩ Martin O’Donnell, người phụ trách nghiên cứu, cho biết. Ông là một giáo sư lâm sàng thuộc Viện nghiên cứu sức khỏe dân số Đại học McMaster ở Hamilton, Canada.
Phòng ngừa đột quỵ là một ưu tiên trong chiến dịch vì sức khỏe cộng đồng và chiến lược giảm thiểu rủi ro cho người dân phải được dựa trên các biện pháp phòng ngừa nguyên nhân gây bệnh, các nhà nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu được công bố ngày 15/7 trên Tạp chí Y khoa Lancet nổi tiếng thế giới. “Đây là nghiên cứu phù hợp về quy mô và phạm vi để tìm hiểu các yếu tố gây nguy cơ đột quỵ tại mọi khu vực lớn của thế giới”, TS O’Donnell nói.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét tỷ lệ đột quỵ do các yếu tố cụ thể gây ra, xác định mức độ tác động của từng yếu tố. Và kết quả cho thấy, loại bỏ huyết áp cao sẽ giảm nguy cơ bị đột quỵ tới 48%.
Những yếu tố khác gồm:
– Ít hoạt động thể chất: 36%
– Chế độ ăn uống nghèo nàn: 23%
– Béo phì: 19%
– Hút thuốc: 12%
– Bệnh về tim: 9%
– Tiểu đường: 4%
– Uống rượu: 6%
– Căng thẳng: 6%
– Mỡ trong máu: 27%
Nếu kết hợp giảm cả 10 yếu tố có nguy cơ kể trên sẽ giảm được tới 90,7% khả năng bị đột quỵ ở tất cả các vùng, nhóm tuổi và giới tính.
Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu lưu ý, tác động của từng yếu tố có nguy cơ là khác nhau ở từng khu vực. Ví dụ, huyết áp cao là nguyên nhân gây ra khoảng 39% trường hợp đột quỵ ở Bắc Mỹ, Úc và Tây Âu, nhưng chiếm tới gần 60% trong khu vực Đông Nam Á.