Để chữa chảy máu cam, lấy ngó sen 30 g (có thể dùng riêng hoặc phối hợp với lá hẹ, lượng bằng nhau) để tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước nhỏ vào lỗ mũi, máu sẽ cầm ngay.
Ngó sen là thân rễ thắt khúc từng đoạn của cây sen, mọc ngập trong bùn ở ao, đầm, hồ, có đường kính 3-5 cm, mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, mặt cắt có những khoang trống xếp theo hình nan hoa. Ngó sen chứa đến 70% tinh bột và nhiều chất khác.
Trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, ngó sen được dùng với tên thuốc là liên ngẫu, có vị ngọt, hơi sít do chất nhựa, tính mát bình, không độc. Dược liệu để sống thì hàn, nấu chín thì ôn, có tác dụng cầm máu là chủ yếu, bổ huyết và điều kinh, được dùng trong trường hợp sau:
– Thổ huyết: Ngó sen 7 cái, cuống lá sen 7 cái dùng tươi, rửa sạch, giã nát, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, thêm ít mật, (đường) uống nóng làm hai lần trong ngày (Nam dược thần hiệu). Hoặc ngó sen 30 g, lá trắc bá 10 g, giã nát, vắt lấy nước uống.
– Ho ra máu: Ngó sen 20 g, rễ bách hợp hoặc lá trắc bá 20 g, cỏ nhọ nồi 10 g, thái nhỏ, phơi khô, sắc uống làm hai lần trong ngày.
– Kinh nguyệt không đều: Ngó sen 20 g, củ gấu 12 g (rang cháy hết rễ và lông), phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn với mật ong hoặc nước đường làm thành viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống hai lần, mỗi lần 50 viên với nước nóng.
– Tiểu ra máu: Ngó sen, bồ hoàng, sơn chi tử, đạm trúc diệp, tiểu kế, mộc thông mỗi vị 12 g; sinh địa 20 g; hoạt thạch 16 g; chích cam thảo, đương quy mỗi vị 6 g. Tất cả thái nhỏ, sắc uống trong ngày.
– Rong huyết: Ngó sen, hoàng cầm, a giao mỗi vị 12 g, sơn chi tử 12 g, địa du 12 g; mẫu lệ, quy bản mỗi vị 20 g; sinh địa 16 g, địa cốt bì 10 g, cam thảo 4 g. Sắc uống ngày một thang.
Ngoài ra, y học cổ truyền còn dùng riêng những đốt ngó sen (tên thuốc là ngẫu tiết) với tác dụng cầm máu như ngó sen.