Các nhà khoa học đã sáng chế ra một thiết bị trông giống như ti giả dành cho em bé, nhưng có tác dụng giúp chống lại chứng chóng mặt ở người lớn.
Theo các nhà sáng chế, người sử dụng sẽ ngậm thiết bị đặc biệt trên vào miệng bất cứ khi nào họ cảm thấy chóng mặt. Sản phẩm đã được thiết kế làm tăng lượng máu lưu chuyển đến não ở những người bị đột ngột giảm huyết áp khi đứng dậy.
Chứng giảm huyết áp khi thay đổi tư thế đặc biệt phổ biến ở những người lớn tuổi. Nó được coi là là nguyên nhân gây ra tình trạng ngất xỉu ở 1/10 số người trên 60 tuổi và “thủ phạm” gây ngã phổ biến ở những người lớn tuổi.
Các triệu chứng chóng mặt bắt nguồn từ việc thiếu máu chảy tới khu vực đầu khi chúng ta đứng dậy. Trọng lực khiến máu dồn xuống các chân và rời khỏi bộ não.
Thông thường, các bộ phận cảm biến áp huyết đặc biệt ở cổ tự động phát hiện ra tình trạng trên và điều chỉnh huyết áp cũng như nhịp tim của chúng ta để đối phó với nó. Tuy nhiên, ở một số người, điều này không xảy ra, khiến họ cảm thấy như ngất xỉu.
Lão hóa là một trong những nguyên nhân phổ biến, do các bộ phận cảm biến áp huyết ở cổ trở nên kém nhạy cảm theo thời gian, đồng nghĩa với việc huyết áp và nhịp tim không được cơ thể tự động điều chỉnh tăng lên như dự kiến. Một số nguyên nhân khác là tình trạng mất nước, một số dạng bệnh tim và bệnh tiểu đường. Việc chóng mặt cũng hay xảy ra ở những người đang dùng một số dược phẩm như thuốc lợi tiểu, thuốc chặn beta và thuốc chống trầm cảm.
Các nghiên cứu ban đầu cho thấy, thiết bị giúp tăng 50% huyết áp và dẫn đến việc có nhiều máu hơn được bơm tới não. Hiện các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Vanderbilt (Mỹ) đã lên kế hoạch xúc tiến một thử nghiệm nữa đối với thiết bị.
Bình luận về “ty giả cho người lớn”, tiến sĩ Christopher Morley, chuyên gia tư vấn tim mạch hàng đầu ở Quỹ y tế công Bradford (Anh) nhận định: “Thiết bị đã cung cấp một cách đơn giản để tăng lưu lượng máu để về tim và có thể ổn định các triệu chứng giảm huyết áp khi thay đổi tư thế. Tuy nhiên, liệu các bệnh nhân có cảm thấy thoải mái và dễ dàng khi sử dụng thiết bị hay không, vẫn còn chờ kết quả của nghiên cứu mới”.