Quả ổi xanh có hàm lượng tanin cao nên có tác dụng cầm tiêu chảy (dùng khi bình thường dễ gây táo bón). Ổi xanh cũng có thể giải độc ba đậu và các chất độc khác gây tiêu chảy. Các bộ phận của cây ổi đều là những vị thuốc dân gian có tác dụng chữa bệnh tốt.
Chữa tiêu chảy: Búp ổi 20 g sao qua; vỏ quýt khô 10 g; gừng nướng chín 10 g. Tất cả cắt nhỏ, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm 2 lần trong ngày. Hoặc búp ổi 20 g, củ sả 16 g, củ riềng 8 g. Thái nhỏ, sao qua, sắc lấy nước đặc uống.
Lá ổi: Được dùng rất phổ biến để chữa đau bụng, tiêu chảy, nhất là ở trẻ nhỏ. Khi dùng, lấy lá ổi 20 g phối hợp với vỏ quả bòng 20 g, phơi khô; lá chè tươi 10 g; gừng tươi 2 lát. Sắc uống.
Dùng ngoài, lấy lá ổi băm nhỏ, nấu nước tắm hằng ngày chữa rôm sảy, lở ngứa. Nước sắc đặc của lá ổi dùng rửa vết thương phần mềm, vết loét, làm sạch mủ, mất mùi hôi, làm tổ chức hạt phát triển tốt. Cao đặc lá ổi bôi lên vết bỏng có tác dụng nhanh chóng tạo màng che phủ, làm se khô vết thương.
Quả ổi: Ngoài tác dụng chữa tiêu chảy, ổi còn tốt cho người bị tiểu đường. Các nhà khoa học đã cho những người bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin uống dịch ép quả ổi, kết quả cho thấy dịch ép này có tác dụng hạ đường máu rõ rệt.
Qua nhiều lần thử nghiệm, một bác sĩ người Ấn Độ nhận thấy việc dùng thường xuyên hằng ngày một lượng ổi chín khoảng 500 g sẽ làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch, giảm cholesterol trong máu và hạ huyết áp (nhất là loại ổi da sần và ruột màu đỏ).