Trang chủ Nhiếp ảnh Chụp ảnh macro thế nào cho đẹp?

Chụp ảnh macro thế nào cho đẹp?

Khi lướt qua những bông hoa hoặc những con côn trùng lạ mắt, chắc hẳn bạn luôn muốn chụp vài bức ảnh. Kiểu chụp cận cảnh (macro) sẽ mang lại những bức ảnh đẹp có cảm xúc bất ngờ. Cho dù bạn đang sở hữu camera dSLR, camera bỏ túi hay camera trên smartphone, hãy thử áp dụng vài mẹo chụp ảnh macro dưới đây.

chup-anh-macro_19.11.14_1

Chế độ macro

Bạn có thể chụp được những bức ảnh cận cảnh thực sự đẹp với hầu hết các camera nếu ghi nhớ một vài quy tắc. Và dưới đây là những gì bạn cần cần biết.

Ảnh macro chụp từ camera của một chiếc iPhone

Đầu tiên, tất cả các ống kính camera đều có một khoảng cách lấy nét tối thiểu. Bạn không thể vi phạm quy định này của ống kính, nếu bạn đặt ống kính quá sát đối tượng thì hình ảnh sẽ bị mờ. Ví dụ, ống kính của camera trên iPhone có khoảng cách lấy nét tối thiểu trong khoảng 5 đến 7,5 cm. Nếu đặt đúng khoảng cách này bạn sẽ không cần phải thực hiện thêm bất cứ thao tác đặc biệt nào để kích hoạt chế độ chụp cận cảnh.

Mặt khác, nhiều camera bỏ túi sẽ không tự động lấy tiêu điểm khi bạn đặt ống kính gần đối tượng. Để chụp ảnh macro bạn cần phải kích hoạt chế độ chụp macro của camera bằng một nút hoặc menu thiết lập với biểu tượng hoa tulip. Chế độ macro sắp xếp lại ống kính của camera để lấy tiêu điểm rất gần, nhưng khi chụp xong bạn nhớ phải tắt nó đi bởi vì trong chế độ macro, camera sẽ không thể lấy tiêu điểm rõ nét vào đối tượng đang ở khoảng cách bình thường.

Độ sâu trường ảnh – DOF

Sự khác biệt lớn nhất giữa ảnh macro và ảnh chân dung/phong cảnh thông thường là ở DOF mà bạn tạo ra. DOF là khu vực trong bức ảnh của bạn mà mọi vật thuộc khu vực đó đều hiện ra sắc nét, thường nằm ở một khoảng phía trước và phía sau đối tượng chính của bạn.

DOF trong các bức ảnh thông thường, ví dụ như khi bạn chụp cả gia đình đang đứng trước một bụi hoa hồng chẳng hạn, thì vùng DOF của ảnh sẽ cần rộng hơn để tất cả mọi người trong ảnh và cả bụi hoa đều được rõ nét. Với những bức ảnh như vậy, gần như bạn không phải quan tâm nhiều đến DOF, chỉ cần mọi thứ đều sắc nét là được. Khoảng cách giữa bạn và đối tượng có thể cách xa đến vài mét.

Tuy nhiên khi chụp ảnh cánh hoa và côn trùng, vùng nét DOF có thể rất nhỏ, có khi chỉ bằng một vài centimet. Và khoảng cách giữa bạn và đối tượng cũng thu hẹp lại tương ứng.

Khi chụp ảnh macro những bông hoa bạn sẽ thấy rõ DOF thực sự rất nhỏ

Nếu bạn có một camera dSLR hoặc một camera bỏ túi đầy đủ chức năng, bạn có thể tối đa hoá DOF bằng cách thay đổi khẩu độ, khẩu độ f/16 hoặc f/22 tạo ra khoảng DOF lớn nhất. Nếu bạn chỉ có một chiếc smartphone hoặc một camera không thể thay đổi khẩu độ bạn hãy thử một cách khác đó là thiết lập camera hoặc smartphone sang chế độ chụp cận cảnh. Nó sẽ tự thay đổi khẩu độ để đạt được DOF tối ưu nhất có thể. Dù bằng cách nào đi nữa thì có một điều luôn đúng: Càng ở gần sát đối tượng mà bạn định chụp thì DOF càng nhỏ, và khi máy ảnh của bạn chỉ cách đối tượng vài centimet thì cũng đừng ngạc nhiên nếu DOF chỉ là một vùng nhỏ xíu.

DOF không quan trọng nếu khoảng cách từ mọi thứ tới ống kính camera tương đương nhau

Một giải pháp cho khó khăn này là bạn hãy chụp ảnh với một suy nghĩ trong đầu là DOF sẽ rất nhỏ, hãy tìm cách làm sao để vùng nét nằm ở vị trí bạn muốn. Nếu đối tượng của bạn trải rộng từ tiền cảnh tới hậu cảnh, chắc chắn sẽ có một vài phần của bức ảnh bị mờ. Nhưng nếu bạn thay đổi góc nhìn và chụp bức ảnh với đối tượng nằm vuông góc với ống kính – sao cho mọi phần của đối tượng đều có một khoảng cách bằng nhau so với ống kính máy ảnh, khi đó DOF sẽ trở nên ít quan trọng. Bạn sẽ có thể chụp bức ảnh lấy nét vào tất cả đối tượng.

Kiểm soát độ rung của camera

Ở khoảng cách chụp khá gần, một chút rung camera dù nhẹ cũng có thể giống như một trận động đất. Tốt nhất khi chụp macro bạn nên đặt camera trên giá đỡ tripod hoặc một số thiết bị hỗ trợ khác.

Giá đỡ tripod cùng tấm che sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn khi chụp ảnh macro

Hiện tại cũng đã có những giá đỡ tripod cho iPhone hoặc smartphone khác.

Ánh sáng

Cuối cùng, phải nói thêm một chút về ánh sáng. Ánh sáng mặt trời trực tiếp không giúp tạo ra những bức ảnh cận cảnh thiên nhiên tuyệt vời, một phần vì trong bức ảnh cuối cùng của bạn sẽ có các biến thể của ánh sáng và bóng. Bạn sẽ chụp được những bức ảnh đẹp hơn với ánh sáng gián tiếp, có nghĩa là bạn nên chụp ảnh khi mặt trời đang bị mây che, hoặc chụp các đối tượng trong bóng râm. Khi chụp ảnh thiên nhiên bạn có thể mang theo thiết bị chắn sáng để giảm ánh sáng trực tiếp vào đối tượng. Bạn cũng có thể chụp ảnh vào thời điểm buổi sớm và chiều trong ngày khi ánh sáng mặt trời không chiếu trực tiếp trên cao xuống. Dù bằng cách nào đi nữa, bạn nên ghi nhớ tránh chụp ảnh khi ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào đối tượng bạn định chụp.

Theo Vnreview

Đánh giá bài viết
Exit mobile version