Thói quen tái sử dụng chai nhựa để trữ nước có thể tăng nguy cơ mắc ung thư, gây dậy thì sớm ở trẻ và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Hầu hết chai nhựa có sẵn trên thị trường được sản xuất để sử dụng một lần. Chất liệu của hầu hết các loại chai soda, nước khoáng hiện nay là polyethylene terephthalate (viết tắt là PET hay PETE) – một loại nguyên liệu nhẹ, xốp, giá rẻ và dễ tái chế. Loại nhựa này khá an toàn, tuy nhiên, với bề mặt xốp có thể cho phép vi khuẩn và mùi vị tích tụ lại. Do đó, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng chỉ sử dụng chai nhựa một lần.
Tuy nhiên, nhiều người có thói quen tái sử dụng chai nhựa để đựng nước. Các hợp chất trong thành phần PET có thể rò rỉ và gây các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
1. Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Các nhà khoa học đã chứng minh, chất BPA trong nhựa có thể gây ra các biến chứng về nhiễm sắc thể đối với thai nhi và dẫn đến các khuyết tật bẩm sinh.
Ngoài ra, các chất hóa học trong nhựa có thể rối loạn các hormone giới tính như estrogen, dẫn đến hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người sử dụng nước đóng chai chất lượng thấp có thể tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú và ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
2. Nhiễm trùng
Thực tế cho thấy, nước đóng chai không hoàn toàn đảm bảo vệ sinh. Vi khuẩn có thể xâm nhập nếu quy trình tiệt trùng và đóng chai không đảm bảo. Thiết kế của vỏ chai cũng đóng vai trò quan trọng. Những loại chai có thiết kế cầu kỳ thường rất khó để làm sạch. Bạn nên chú ý các đặc điểm của chai nhựa khi quyết định sử dụng nước uống đóng chai thường xuyên trong gia đình.
3. Tăng nguy cơ gây ung thư
Các chuyên gia khuyên bạn nên tránh sử dụng chai nhựa để lưu trữ nước ấm. Nhiệt độ cao có thể xúc tác cho phản ứng hóa học giữa nước và các thành phần của vỏ chai, tạo ra các hợp chất gây ung thư. Bạn nên sử dụng chai thủy tinh hoặc chai kim loại chất lượng tốt để lưu trữ nước uống.