Khi bị viêm phế quản mãn tính, bệnh nhân thường chỉ chú ý vào việc dùng thuốc mà ít lưu tâm đến vấn đề ăn uống, đặc biệt là việc sử dụng các thực phẩm có giá trị hỗ trợ phòng chữa bệnh.
– Vịt 1 con làm sạch, ướp với 2 thìa rượu vang và gia vị; lấy 10-15 g nhân sâm thái vụn cho vào trong bụng vịt. Tất cả đem hầm nhừ, chia ăn trong vài ngày. Món này giúp làm khỏe tim phổi, bổ máu, làm tăng sức đề kháng của cơ thể.
– Phổi lợn 1 cái, tang bạch bì 30 g, hạnh nhân 30 g, gia vị vừa đủ. Phổi lợn làm sạch thái miếng, đem hầm nhừ cùng với tang bạch bì và hạnh nhân, chế thêm gia vị, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 1 bát nhỏ. Dùng cho người bị viêm phế quản mãn tính trong thời kỳ tiến triển có sốt, ho nhiều, khạc đờm có mủ.
– Lá dâu 10 g, hạnh nhân 10 g, sa sâm 5 g, bối mẫu 3 g, vỏ quả lê 15 g. Tất cả thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, pha thêm 10 g đường phèn, uống thay trà trong ngày.
– Gà mái 1 con (nặng chừng 1 kg), hoàng kỳ sao mật 50 g, phòng phong 10 g, phụ tử chế 10 g, ma hoàng sao mật 10 g. Gà làm sạch, các vị thuốc thái vụn gói trong túi vải rồi nhét vào bụng gà. Tất cả đem hấp cách thủy trong 4 giờ, sau đó bỏ bã thuốc, chia ăn trong 3-4 ngày. Công dụng: Bổ thận ích phế, nâng cao sức đề kháng và năng lực chống rét, dự phòng tích cực các đợt tái phát của bệnh. Mỗi tháng nên làm 1-2 lần. Bài thuốc này cần có sự hướng dẫn chu đáo của thầy thuốc chuyên khoa vì phụ tử là vị thuốc có độc, nếu bào chế không đúng cách và dùng đúng liều lượng sẽ rất nguy hiểm.
Những món ăn nêu trên nhìn chung đều khá đơn giản, dễ kiếm, dễ làm và dễ dùng. Vấn đề cốt yếu là phải lựa chọn cho đúng thể bệnh và kiên trì khi sử dụng.