Theo các tài liệu, khớp hàm đóng vai trò như một bản lề, có thể trượt về phía trước hoặc phía sau. Xương hàm được giữ cố định nhờ các cơ gắn với khớp ngay cạnh tai. Một đĩa sụn đóng vai trò như bộ phận giảm sốc giữa hàm và hộp sọ.
Chứng loạn năng hay rối loạn khớp thái dương hàm (TMJD) là một khái niệm rộng chỉ bất kỳ vấn đề nào đối với khớp, các cơ bao quanh nó hoặc đĩa sụn. Nó có thể gây đau hàm, khó mở miệng hoặc đôi khi tạo ra tiếng lách cách.
“Bản thân tiếng lách cách không phải là vấn đề. Nhưng nó có thể là dấu hiệu cho thấy, các bộ phận khác nhau trong hàm không hoạt động hòa hợp”, giáo sư Andrew Eder, một chuyên gia nha khoa phục hồi giải thích.
Bộ Y tế của Anh thống kê rằng, chứng TMJD tấn công 1/5 số người trong chúng ta, vào thời điểm nào đó trong đời. Nguyên nhân phổ biến của chứng bệnh là do các cơ và dây chằng quanh hàm hoạt động quá mức, bị viêm tấy do nhai kẹo cao su hoặc nghiến răng thường xuyên vào ban đêm. Cụ thể là, theo giáo sư Eder, khi bạn siết chặt các răng như trong lúc nhai kẹo cao su hoặc nghiến răng, khớp hàm không thể trượt qua lại và điều này gây căng thẳng lên các cơ, răng và khớp.
Ngoài ra, khớp hàm có thể bị đẩy bật khỏi vị trí do một cú đánh mạnh vào đầu, bộ răng giả không được lắp đúng cách, việc điều trị nha khoa, cắn móng tay hay thậm chí ngáp hoặc há miệng quá rộng để ăn. Các chứng bệnh khác, chẳng hạn như chứng viêm khớp mãn tính, bệnh gout, cũng có thể gây cứng, sưng phồng và đau khớp. Rất hiếm gặp nhưng TMJD có thể bắt nguồn từ một khối u ở xương hàm.
Các bệnh nhân bị TMJD mãn tính cần phải được điều trị chỉnh răng hoặc phẫu thuật. Trong trường hợp do bị nặng nên cần phải phẫu thuật để tái phục hồi vị trí của đĩa sụn.