Mỗi người chúng ta trung bình dành một phần ba cuộc đời cho việc ngủ, tuy nhiên không phải ai cũng biết ngủ đúng cách để có một cơ thể khỏe mạnh. Cùng điểm lại một số thói quen sai lầm khi ngủ mà nhiều người vẫn thường mắc phải nhé!
Đi ngủ sau 11 giờ đêm
Việc hình thành cho bản thân thói quen đi ngủ trước 11h sẽ mang lại những tác động vô cùng to lớn cho sức khỏe. Ngủ đủ và đúng giờ sẽ giúp chúng ta cải thiện trí nhớ, khơi dậy óc sáng tạo, rèn luyện sự tập trung cũng như gia tăng tuổi thọ. Thức khuya thường xuyên khiến cho gan bị tổn thương, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thận, gây tổn hại khí huyết khiến cho sắc mặt trở nên xám xịt, tâm trạng ức chế, cáu bẳn.
Suy nghĩ quá nhiều trước khi ngủ
Cuộc sống tất bật hàng ngày mang lại cho chúng ta không ít suy tư, lo lắng. Nhiều người thường nằm trằn trọc không yên, lo nghĩ về những vấn đề xảy ra suốt một ngày dài khiến cho việc chìm vào giấc ngủ trở nên khó khăn. Những lúc như thế này, bạn nên tránh việc tiếp tục nằm trên giường và cố ru cơ thể vào giấc ngủ. Ngồi dậy, thiền hoặc thực hiện một vài động tác thể dục nhẹ nhàng sẽ giúp điều hòa nhịp thở và khiến cho tâm trí bình ổn trở lại. Sau đó, chúng ta sẽ có giấc ngủ ngon và sâu hơn.
Nhiều người thường có thói quen xem TV, kiểm tra email, lướt internet trước khi đi ngủ mà không hề biết rằng ánh sáng xanh từ các thiết bị này sẽ gây kích thích hệ thần kinh, dẫn đến chứng khó ngủ, đặc biệt là khi tiếp xúc với mắt ở cự li gần. Lời khuyên mà các bác sĩ đưa ra là không nên đặt TV trong phòng ngủ, đồng thời hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử để đảm bảo cho chất lượng giấc ngủ của chúng ta bạn nhé.
Môi trường ngủ không phù hợp
Các nhà khoa học chỉ ra rằng ánh sáng là một trong những yếu tố gây kích thích não bộ, nó đóng vai trò như dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm bất kể là nguồn sáng tự nhiên hay nhân tạo. Nhiều gia đình có thói quen sử dụng đèn ngủ tuy nhiên bật đèn chính là nguyên nhân khiến bạn ngủ không sâu giấc. Bên cạnh đó ánh sáng khi ngủ còn gây rối loạn quá trình sản xuất melatonin ở người, làm sai lệch chu kỳ phát triển của cơ thể thậm chí khiến chúng ta lão hóa nhanh hơn. Ngoài ra phòng ngủ không thoáng khí hoặc không được cách âm tốt cũng khiến cho chất lượng giấc ngủ giảm sút đó.
Khoảng thời gian buổi trưa từ 11h-1h chiều chính là lúc cơ thể rất cần nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng. Một giấc ngủ trưa khoảng 15 – 20 phút chính là chìa khóa giúp bạn tỉnh táo và tăng khả năng tập trung vào buổi chiều và tối. Ngược lại, việc không ngủ trưa sẽ khiến cơ thể phải hoạt động nhiều hơn, thải ra nhiều chất cặn bã khiến thần kinh bị tê liệt. Mệt mỏi bị dồn nén, tích tụ, về lâu dài rất có thể sẽ dẫn đến stress, hiệu suất công việc sẽ giảm sút đáng kể. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tránh việc ngủ trưa quá lâu, bởi lúc này, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái ngủ sâu, lúc thức dậy sẽ cảm thấy nhức đầu, mệt mỏi, đờ dẫn.
Dậy muộn
Một trong những hệ quả của việc thức khuya hoặc không ngủ đủ giấc đó chính là thói quen dậy muộn vào buổi sáng. Dậy muộn sẽ khiến cho đại tràng (ruột già) không được hoạt động, việc tiêu hóa và bài tiết của cơ thể do đó sẽ bị ngưng trệ. Ngoài ra, từ 7h-9h sáng cũng là khoảng thời gian các cơ quan tiêu hóa làm việc hiệu quả nhất, dậy sớm và ăn sáng vào khoảng thời gian này sẽ giúp cho việc trao đổi chất và hấp thụ các chất dinh dưỡng diễn ra thuận lợi hơn.