Bạn thường xuyên cảm thấy lạnh cóng tay chân vào mùa đông. Mọi cố gắng sưởi ấm bàn tay, chân vô tác dụng? Tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng này để xử lý tận gốc.
Khi mùa đông đến, nhiều người thường xuyên cảm thấy lạnh buốt bàn tay, bàn chân và rất khó để sưởi ấm chúng. Cảm giác lạnh cóng ảnh hưởng đến hoạt động và sức khỏe của chúng ta. Vậy nguyên nhân phổ biến của hiện tượng này là gì?
1. Hội chứng Raynaud
Đây là tình trạng rối loạn thu hẹp mạch máu ở các ngón tay khiến chúng đột nhiên trắng bệch, lạnh và khó cử động. Sau đó, da trở nên tím xanh, tê bì. Nguyên nhân của bệnh do thiếu máu cục bộ ở các đầu ngón tay, sự co thắt các động mạch đầu ngón. Khi cơ thể được sưởi ấm, dòng máu lưu thông vào các động mạch, mao mạch đột ngột, phản ứng xung huyết này khiến ngón tay đỏ lên, bệnh nhân có thể cảm thấy rõ từng nhịp của mạch máu và có cảm giác đau. Bệnh xảy ra nhiều hơn khi thời tiết lạnh.
2. Suy giáp
Tuyến giáp là tuyến nhiệt chủ yếu của cơ thể. Khi bạn mắc chứng suy tuyến giáp, hầu hết các chức năng cơ thể hoạt động chậm và bạn dễ mệt mỏi, táo bón, tăng cân, luôn cảm thấy bị lạnh, nhất là ở bàn tay, bàn chân.
3. Thiếu máu, tuần hoàn máu kém
Đây là nguyên nhân khiến bàn chân, bàn tay bạn luôn lạnh. Tuần hoàn máu kém xảy ra khi dòng máu giàu oxy giảm lưu thông trong cơ thể, hoặc tim suy yếu, tắc nghẽn động mạch. Khi dòng máu không thể lưu thông bình thường khắp cơ thể, bạn cảm thấy các đầu ngón tay, ngón chân tê lạnh hoặc ngứa ran – bởi chúng ở vị trí xa tim nhất. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh thiếu máu, lưu thông máu kém có thể điều trị được bằng cách bổ sung sắt.
4. Thiếu vitamin B12
Vitamin B12 trong thịt, gia cầm, trứng, sữa… đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tế bào máu đỏ. Sự thiếu hụt vitamin B12 dấn đễ giảm sản xuất tế bào máu, dẫn đến hiện tượng lạnh chân tay khi thời tiết lạnh. Tình trạng thiếu máu do thiếu vitamin B12 phổ biến ở những người ăn chay thường xuyên và người trên 50 tuổi.
5. Huyết áp thấp
Huyết áp thấp có thể do mất máu, rối loạn nội tiết, tác dụng phụ của thuốc… Khi huyết áp hạ, máu giảm lưu thông đến tứ chi khiến bạn thường xuyên lạnh chân, tay. Các triệu chứng huyết áp thấp gồm chóng mặt, mờ mắt, mệt mỏi, buồn nôn. Hãy chú ý chế độ dinh dưỡng đầy đủ và kiểm tra sức khỏe thường xuyên để được chuyên gia y tế tư vấn cách chăm sóc thể trạng phù hợp.
6. Căng thẳng
Căng thẳng lo âu có thể tác động để tình trạng khí huyết. Khi bạn thường xuyên lo âu, suy nghĩ, các chức năng cơ thể có xu hướng trì trệ. Andrenaline tăng khiến mạch máu ở các chi co lại, giảm lưu thông máu và cảm giác lạnh chân tay. Thực hiên lối sống tích cực, lạc quan để giảm bớt các triệu chứng lạnh chân tay.
7. Bệnh tự miễn
Nhiều trường hợp, hiện tượng lạnh chân, tay là hậu quả của một số bệnh tự miễn như xơ cứng bì, viêm cơ bì hoặc viêm đa cơ, xơ vữa động mạch đầu chi, lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng ngực thoát, tăng áp lực động mạch phổi nguyên phát… Bạn nên đi khám bệnh sớm, vì tình trạng trên tái diễn nhiều lần, nhiều năm sẽ dễ dẫn đến xơ da đầu ngón, cơ và xương cũng bị ảnh hưởng, có thể bị loét đầu ngón để lại sẹo chai hoặc hoại thư đốt ngón tay.