Trên thị trường có nhiều loại vitamin C, ngoài việc dùng làm thuốc, nhiều khi vitamin C được dùng như một loại thực phẩm (giải khát, làm quà cho trẻ) khá tùy tiện.
Vitamin C có làm đẹp da?
Collagen chiếm 45% thành phần protein cấu tạo da và vitamin C có vai trò xúc tác trong việc tạo ra collagen. Nhưng để tái tạo da còn cần phải có nhiều yếu tố khác như vitamin A, E, B, các vi lượng (lưu huỳnh, selen, magie, iod), các chất béo, các protein chứa nhiều collagen. Tất cả chúng cần được cung cấp qua thức ăn. Không thể chỉ dùng vitamin C liều cao để làm đẹp da.
Gần đây một số nghiên cứu cho thấy việc dùng thừa vitamin C sẽ làm “mất đi sự cân bằng vốn có của cơ thể” làm “tăng sự tích tụ” những phân tử kép có hại, sự tích tụ này có một vai trò nhất định trong các căn bệnh như ung thư, thấp khớp, xơ vữa động mạch. Còn cần phải thu thập thêm chứng cứ nhưng đây là điều cảnh báo đáng quan tâm.
Chỉ định chủ yếu của vitamin C?
Vitamin C bảo vệ thành mạch. Thiếu nó, dễ bị xuất huyết dưới da (bị bầm tím khi va chạm nhẹ), chảy máu nướu răng, chảy máu cam, vết thương chậm lành, vì thế thuốc được dùng phòng chữa các trường hợp chảy máu này (bệnh scorbus).
Vitamin C tham gia vào nhiều chức năng hoạt động của của cơ thể trong các quá trình: sản sinh năng lượng, tạo miễn dịch, trung hòa đào thải các chất độc, tổng hợp các chất vận chuyển trung gian hệ thần kinh, hấp thu canxi, sắt. Thuốc được dùng: bổ sung (khi bị thiếu trong khẩu phần ăn) cho người trong thời kỳ có thai, nuôi con bú (nhằm tăng sự hấp thu sắt, canxi giúp sự phát triển bào thai và trẻ nhỏ, tránh một số tai biến khi sinh nở), cho trẻ trong độ tuổi trưởng thành (nhằm đảm bảo sự phát triển)…
Một trong các ứng dụng này vẫn còn tranh luận: có người cho nó làm tăng sức đề kháng, chủ trương dùng liều cao (từ 1.000 mg trở lên); có người lại thấy trong thực tế lâm sàng nó không làm thay đổi tiến trình của bệnh nhiễm vi khuẩn, virus…
Dùng vitamin C thường xuyên (như uống viên sủi, ngậm kẹo vitamin C) sẽ làm cho cơ thể quen đi, khi không dùng sẽ cảm thấy mỏi mệt.
Dùng liều cao (1.000 mg mỗi ngày), kéo dài có thể gây rối loạn tiêu hóa (nóng rát dạ dày, tiêu chảy), gây hiện tượng thừa sắt, giảm độ bền của hồng cầu, giảm khả năng diệt khuẩn của bạch cầu, ở người thiếu men G6PD còn có thể bị tán huyết.
Theo FAO, nhu cầu vitamin C mỗi ngày từ sơ sinh đến 3 tuổi: 25-30mg, từ 4-18 tuổi: 30-40mg, người lớn trung bình 45mg. Cần thiết phải cung cấp đủ vitamin C trong khẩu phần ăn, nếu thiếu phải bổ sung nhưng không được dùng thừa vì sẽ làm hấp thu thừa sắt gây hại (như nói trên) đồng thời làm giảm sự hấp thu đồng, niken làm cho xương chậm phát triển, dễ biến dạng và hay bị viêm kết mạc.
Đối với phụ nữ mang thai, nhu cầu vitamin C mỗi ngày là 50mg, khi nuôi con bú là 70mg. Cần thiết phải cung cấp đủ vitamin C trong khẩu phần ăn, nếu thiếu phải bổ sung nhưng không được dùng thừa vì có thể gây dị tật bẩm sinh ở trẻ.
Sản phẩm chuyển hóa trung gian của vitamin C là acid oxalic nên việc dùng liên tục liều cao có thể gây nên sỏi thận (sỏi oxalat calci).
Vì những lý do trên không nên coi vitamin như là một thuốc bổ, dùng không giới hạn (đặc biệt là trẻ em, thai phụ). Những trường hợp cần thiết dùng liều cao phải có chỉ định của thầy thuốc và chỉ dùng trong thời gian ngắn.
Vitamin C gây kích thích nhẹ làm khó ngủ, vì thế không nên dùng vào buổi tối. Ngoài ra, thuốc có thể gây dị ứng (loại tiêm hay gây dị ứng hơn). Một phần trong các nguyên nhân gây dị ứng là do sự biến chất của nó và các chất bảo quản. Không dùng cho những người có mẫn cảm với thuốc, tuyệt đối không dùng sản phẩm bị biến màu.