Một số chị em bị mề đay khi đến dịp “đèn đỏ”. Nguyên nhân có thể do nội tiết hoặc dùng thuốc kháng viêm để giảm đau bụng, có khi do dị ứng sản phẩm vệ sinh sử dụng trong kỳ kinh.
Tùy theo cơ địa của mỗi người và các yếu tố ảnh hưởng khác, trong kỳ kinh, phụ nữ có thể gặp một số triệu chứng sau đây:
Viêm da tiếp xúc: Còn gọi là chàm tiếp xúc, xuất hiện do tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân gây dị ứng. Ở vùng sinh dục, trong kỳ kinh, bệnh xảy ra có thể do dùng băng vệ sinh (dày hoặc thô nhám, chất liệu dễ gây kích ứng), bao cao su, màng tránh thai ở nữ, nước hoa…
Có 2 loại viêm da tiếp xúc: Viêm da dị ứng mang tính di truyền, xảy ra trên một số người có cơ địa đặc biệt, chỉ bộc phát khi tiếp xúc với các yếu tố dị ứng như quần lót, băng vệ sinh, kem thoa, màng tránh thai, nước hoa. Viêm da kích thích có thể gặp ở tất cả mọi người vì nó xảy ra do thay đổi tính chất sinh lý, sinh hóa của thượng bì, không liên quan cơ chế miễn dịch. Tác nhân gây bệnh là các chất kích thích da như dung môi hữu cơ, chất tẩy rửa, xà phòng mạnh, chất liệu bông, giấy thấm trong băng vệ sinh.
Khi da tổn thương, dù tiếp xúc với một chất kích thích yếu cũng gây ra viêm. Độ nặng của phản ứng viêm liên quan đến nồng độ chất kích thích và thời gian tiếp xúc.
Phụ nữ đang hành kinh, nhất là ở người bị tiểu đường, dùng kháng sinh, cũng rất dễ viêm âm hộ, âm đạo do nấm candida. Biểu hiện là cảm giác ngứa, rát bỏng, âm hộ đỏ, bóng, phủ chất nhầy trắng đục. Tiểu buốt, giao hợp đau.
Nhiễm trùng da: Thường do ngứa gây khó chịu nên cào gãi hoặc do tiếp xúc với quần, băng vệ sinh thô ráp làm trầy xước da. Lớp thượng bì tổn thương gây nhiễm khuẩn. Vi khuẩn gây bệnh là vi trùng hay sinh mủ như Streptococci, Staphylococci… Triệu chứng thường đau, rát, da viêm đỏ vùng đùi, 2 bên bẹn, khi nặng thấy sưng, có mụn mủ gây khó đi lại.