Cỏ Lào còn có tên là Yến Bạch, Cỏ hôi, Cỏ Việt Minh, Cây Cộng sản, Cây lốp bốp, Cây ba bớp, Cây phân xanh, Cỏ Nhật. Tên khoa học: Chromolacna odorata (L) King et Robinson hoặc Eupatorium odoratum L. Họ Cúc (Asteraceae).
Cỏ Lào là một loại cây nhỏ mọc thành bụi, thân hình trụ thẳng cao tới hơn 2 mét, có nhiều cành. Lá mọc đối, lúc non hình tam giác, dài 5 – 10cm, rộng 3 – 6cm; khi cây trưởng thành, lá biến dạng thành hình quả trám lệch. Đầu lá nhọn, mép có răng cưa thưa, có lông thưa và ngắn ở cả hai mặt lá và ngọn cành. Vò lá và cành non có mùi thơm hắc. Cụm hoa đầu, hình trụ dài 9 – 11mm, đường kính 5 – 6mm. Lúc mới nở, hoa màu xanh tím nhạt, sau trắng. Quả bé, nhỏ dài, đầu có túm lông nên có thể phát tán đi rất xa nhờ gió. Mùa hoa tháng 11 – 12 dương lịch.
Chữa vết thương phần mềm: Do tai nạn giao thông, ngã, bị đòn đánh. Lá và ngọn Cỏ Lào tươi 1 nắm to (150g) rửa sạch, giã nát, đắp vào vết thương, băng chặt. Mỗi ngày thay thuốc một lần.
Chữa lỵ trực khuẩn: Lá và ngọn Cỏ Lào tươi 1 nắm to (150g) rửa sạch, cắt nhỏ, hãm với nước nóng 80oC (nước sôi để 5 phút trời lạnh, 10 phút trời nóng) trong 2 giờ với 500ml nước, giữ ấm bên ngoài đảm bảo 80oC hoặc sau 15 phút lại đun 2 phút. Rút nước, vắt kiệt nước trong bã, lọc lấy nước thuốc rồi cô còn 150ml. Thêm 30 – 50g đường, đun sôi cho tan. Người lớn uống mỗi lần 50 ml x 3 lần/ngày; liên tục đến khi khỏi. Nếu đi lỏng mất nước cần cho uống nước cháo loãng (gạo + khoai lang 1 củ nhỏ) pha muối (tốt hơn oresol vì phân sẽ mau thành khuôn) mỗi ngày 500 – 600ml nước cháo loãng.
Cần bổ sung thêm: ăn cam, quýt tươi mỗi ngày 3 – 4 quả hoặc uống vitamin C 0,1g x 5 viên lần x 3 lần ngày, Vitamin 1 5000UI 1 viên/ ngày.
Trồng Cỏ Lào: Những nơi ở xa vùng Cỏ Lào mọc hoang, chặt cành già Cỏ Lào tuốt lá, chặt đoạn 20cm cắm làm hàng rào kết hợp có thuốc dùng khi cần.