Tóc không chỉ giúp con người hoàn thiện về thẩm mỹ mà còn là sứ giả cảnh báo tình trạng sức khỏe khi cơ thể mắc các loại bệnh mà chúng ta khó nhận biết.
1. Gen di truyền
Theo Huffington Post, gen là yếu tố quyết định số lượng tóc trên đầu cũng như kích cỡ, độ lớn của đường kính sợi tóc. Chính vì thế, nếu bạn sở hữu một bộ tóc đẹp, dày và khỏe là do gen tốt.
2. Vấn đề về hệ miễn dịch
Rụng tóc từng mảng được xem là bệnh tự miễn. Trong hệ tự miễn của cơ thể, tế bào bạch huyết đóng vai trò bảo vệ cơ thể trước các kháng nguyên như vi khuẩn, virus. Các bệnh tự miễn xuât hiện khi hệ tự miễn nhận định thông tin sai lầm khi cho rằng một phần nào đó của cơ thể là kháng nguyên.
Trong bệnh rụng tóc từng mảng, nhiều tế bào bạch cầu đã “sai lầm” khi nhận rằng các nang tóc là kháng nguyên. Chính vì thế mà quá trình đào thải kháng nguyên được kích hoạt, khiến nang tóc bị hủy hoại, không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho tóc, khiến tóc rụng.
Bệnh này có thể được chữa trị bằng cách tiêm steriod vào vùng da dầu, nơi có mảng rụng. Thuốc giúp ngăn chặn quá trình đào thải của hệ miễn dịch tại nang tóc. Điều này giúp phục hồi chức năng của nang tóc và mọc tóc trở lại.
3. Mất cân bằng hormone
Có tới 80% các trường hợp rụng tóc, hói đầu, liên quan đến việc mất cân bằng giữa DHT và testosteron trong máu. Rụng tóc do mất cân bằng hormone thường xảy ra bắt đầu vào tuổi dậy thì ở nam và thời kỳ tiền mãn kinh, giai đoạn sau sinh đối với nữ.
DHT (dihydrotestosterone) là một loại hormone nội sinh, có hoạt tính cao gấp 5 lần testosterone. Tại chân tóc, DHT liên kết với các thụ thể đặc biệt của tế bào nang tóc, khiến nang tóc nhỏ dần, biến mất. DHT còn kích thích tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, tóc xuất hiện nhiều dầu và dễ rụng.
Tóc nam giới rụng từng đợt khoảng 3-4 tháng và được thay thế bằng sợi tóc mịn giống như lông. Đầu tiên, tóc rụng lõm nhỏ ở giữa vùng trán và thái dương; rồi rụng lan ra theo hình vòng xoáy, đến đỉnh đầu. Sau đó, tóc chỉ còn ở vùng thái dương và vùng chẩm.Ở giai đoạn chót, tóc còn rất ít, chỉ còn một băng hẹp, thưa, vòng quanh phía dưới, phía sau và hai bên đầu.
Ở phái nữ, giai đoạn sau sinh và độ tuổi tiền mãn kinh, sự thay đổi các nội tiết tố trong cơ thể cũng làm mất cân bằng nồng độ DHT và testosteron. Lúc đầu, tóc rụng ở đỉnh đầu và có hình ảnh giống như các đường rẽ chân tóc rộng ra. Sau đó bệnh lan ra phía trước đến cách chân tóc vùng trán khoảng 1 cm, cuối cùng là rụng tóc đến hết đỉnh đầu. Có thể kèm theo các dấu hiệu tăng lượng kích thích tố nam như nổi mụn, mọc lông nhiều, rối loạn kinh nguyệt.
4. Vấn đề về buồng trứng
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là sự mất cân bằng trong giới tính nam và nữ. Dư thừa nội tiết androgen ở nữ có thể dẫn đế u nang buồng trứng, tăng cân, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, vô sinh, cũng như mỏng tóc. Hormone nam tồn tại quá nhiều trong PCOS, phụ nữ có thể thấy nhiều lông hơn trên mặt và cơ thể.
5. Thiếu sắt, tuyến giáp hoạt động kém
Thiếu sắt, nhất là khi tiến triển thành bệnh thiếu máu thiếu sắt toàn phát, có thể gây rụng tóc. Lý do là vì cơ thể phải dành ưu tiên oxy cho những chức năng sống còn, và tóc không nằm trong số đó. Tuy nhiên cũng đừng quá hoảng sợ khi thấy vài sợi tóc rụng. Mỗi ngày một người bình thường bị rụng khoảng 70-100 sợi tóc.
Suy giảm tuyến giáp là một thuật ngữ trong y học để chỉ việc có một tuyến giáp hoạt động kém. Tuyến nhỏ này nằm ở cổ và sản xuất ra hormone, quan trọng đối với việc chuyển hoá cũng như sinh trưởng và phát triển. Tuyến nhỏ này không bơm đủ hormone sẽ dẫn đến rụng tóc.