Hiện nay, ung thư vòm họng (ung thư vòm hầu) là một trong mười bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam. Hàng năm khoa xạ trị bệnh viện K thường tiếp nhận điều trị trung bình từ 250 – 300 bệnh nhân ung thư vòm họng mới mắc. Có thể nói, ung thư vòm họng đã trở thành một căn bệnh “đáng sợ” hơn bao giời hết.
Ung thư vòm họng là gì?
Ung thư vòm họng (K vòm) là một loại bệnh ung thư xuất phát từ các tế bào biểu mô ở vùng vòm họng. Đây là thể ung thư thường gặp nhất trong số các ung thư ở vùng đầu cổ, bệnh có thể gặp ở bất cứ mọi lứa tuổi nhưng thường hay gặp ở nam giới hơn.
Cơ thể con người được cấu tạo bởi hàng tỉ tế bào. Phần sau của họng gọi là vòm mũi họng được lót bằng hàng triệu tế bào mà chúng phát triển và phân chia theo một trình tự nhất định. Đôi khi các tế bào này không thể kiểm soát được sự phân chia của chúng dẫn đến sự phát triển một khối u. Thông thường các khối u vòm mũi họng là u ác tính, vì thế chúng có thể xâm lấn trực tiếp đến các vùng ở phía sau của họng.
Các tế bào ung thư này sẽ theo đường bạch huyết, đường máu và lan tràn đến các hạch cổ và các cơ quan ở xa như xương, gan, não… Và một khi ung thư lan tràn đến các cơ quan đó sẽ có dấu hiệu của di căn hoặc xâm lấn dẫn đến khả năng tử vong rất cao.
Nguyên nhân mắc ung thư vòm?
Cho đến nay, nguyên nhân chính gây Ung thư vòm họng chưa xác định. Tuy vậy có rất nhiều giả thiết cho rằng những tác nhân gây bệnh có thể là do: Nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, môi trường kém thông khí, hoá chất (đặc biệt là các hydrocacbon thơm), ăn nhiều cá muối và các thức ăn lên men.
– Do nhiễm Virus Epstein-barr: Gen của virút epstein-Barr cũng được tìm thấy trong bệnh phẩm sinh thiết từ khối u vòm họng.
– Thuốc lá, rượu cũng được xem là yếu tố nguy cơ gây mắc bệnh này.
– Yếu tố di truyền: Có nhiều trường hợp ung thư vòng họng được phát hiện trong một gia đình. Nghiên cứu về di truyền học gần đây cho thấy có liên quan giữa mất gen ức chế u ở những bệnh nhân ung thư vòm họng.
– Trong thức ăn và cách chế biến: Thức ăn chế biến qua các khâu lên men như rượu, bia, cá muối, dưa khú, nước mắm có chứa nhiều chất Nitrosamin có liên quan đến một số loại ung thư của đường tiêu hoá, và UTVH.
– Tuổi và giới: Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thấp nhất là 5 tuổi và cao nhất là 85 tuổi. Tuy nhiên lứa tuổi hay mắc ung thư vòng họng nhất là từ 30 tuổi – 55 tuổi, chiếm tỉ lệ 70%. Bệnh gặp ở cả hai giới nhưng tỉ lệ mắc ung thư vòng họng ở nam giới cao hơn so với nữ giới.
Căn nguyên của ung thư vòm họng không phải là đơn độc mà do nhiều yếu tố cùng tác động gây nên. Vì vậy công tác phòng chống ung thư vòm họng phải làm ở nhiều khâu, nhiều lĩnh vực khác nhau mới mang lại kết quả.
Triệu chứng bệnh
Bệnh có thể gây ra một hoặc nhiều triệu chứng. Bạn nên đi khám nếu có thấy một/nhiều triệu chứng sau:
– Chảy máu cam: Là một trong những triệu chứng sớm nhất của ung thư vòm họng, nước mũi chủ yếu chảy ra từ một bên có kèm theo máu. Hầu hết bệnh nhân thường nuốt nước mũi và nhổ ra theo đường miệng vì vậy khiến nước mũi kèm theo máu dễ bị chẩn đoán nhầm hoặc bị bỏ qua. Giai đoạn cuối có thể gây chảy máu liên tục.
– Nghẹt mũi: Sau khi xuất hiện khối u, sẽ có hiện tượng tắc một bên mũi, khi khối u to lên sẽ khiến hai bên đều bị nghẹt.
– Ù tai và nghe kém: Khối u cản trở và đè lên thực quản, đồng thời gây ù tai, nghẹt tai, nghe kém hoặc kèm theo tràn dịch tympanic.
– Nhức đầu: Thường do khối u phá hủy nền sọ, dẫn đến di căn vào não và dây thần kinh sọ. Ở kỳ cuối, dễ bị chẩn đoán nhầm là đau thần kinh.
– Nổi hạch ở cổ: Theo thống kê, ung thư vòm họng di căn phần cổ chiếm 40 – 85%.
Do vòm họng có cấu trúc mô bạch huyết phong phú, các tế bào ung thư dễ dàng lan sâu lên trên cổ muộn hơn phát triển vào trong, xuống dưới, ra phía trước và hai bên. Khi phát triển số lượng càng nhiều, tốc độ càng nhanh, hạch cứng và không cho cảm giác đau đớn, tính hoạt động kém; vào giai đoạn cuối sẽ bám dính cố.
– Hội chứng nội sọ: Khối u trong não bị vỡ lan sang các dây thần kinh sọ não gây ra các hội chứng nội sọ như nhức đầu, tê bì mặt, mờ mắt, xệ mí, lác trong, thậm chí mù. Hạch bạch huyết di căn xuyên qua các dây thần kinh sọ não ở nền sọ dẫn đến mất cảm giác ở cổ họng, vòm miệng tê liệt, nhai nuốt khó khăn, khàn giọng, liệt màn hầu.
– Di căn: Trong giai đoạn cuối, ung thư vòm họng di căn ở phạm vi mắt, não, xương, phổi, gan và các bộ phận khác, đặc biệt là ở phổi và xương. Nếu người bệnh phát hiện triệu chứng nặng ở bộ phận nào, như một số bộ phận xương cố định bị đau, máu có đờm, thường xuyên đau ngực, gan sưng to, nhãn cầu lồi, thị lực giảm… cho thấy bệnh đã di căn.
Ung thư vòng họng là một bệnh có cơ may chữa khỏi với tỉ lệ cao nếu được điều trị ở giai đoạn sớm. Khi phát hiện một trong những triệu chứng trên hoặc có thể dựa vào các triệu chứng bất thường về Tai – Mũi – Họng bạn nên cảnh giác, nghĩ đến bệnh để đi khám đúng chuyên khoa (TMH hoặc ung bướu).
Phương pháp điều trị
Sau khi được chẩn đoán, các bác sỹ sẽ xác định giai đoạn của bệnh, căn cứ vào giai đoạn bệnh cùng một vài yếu tố khác để quyết định kế hoạch điều trị và tiên lượng bệnh. Các biện pháp điều trị chính hiện nay gồm có:
– Tia xạ: Với ung thư vòm hiện nay, xạ trị là phương pháp điều trị quan trọng nhất, chiếu tia cả khối u và hạch cổ nếu có. Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các bác sỹ có thể xác định chính xác trường chiếu tia dựa vào các hình ảnh không gian 3 chiều nhằm tăng tối đa tác dụng của tia xạ trên khối u đồng thời hạn chế làm tổn thương mô lành.
– Hóa chất: Trước đây hóa chất chỉ được sử dụng khi ung thư vòm có di căn xa hoặc khi điều trị tia xạ thất bại, xu hướng mới hiện nay là điều trị tia xạ kết hợp với hóa chất ngay từ đầu để làm tăng hiệu quả điều trị triệt để khối u.
– Phẫu thuật: Do vòm họng nằm ở vị trí giải phẫu chật hẹp và sâu nên trước đây phẫu thuật không có vai trò quan trọng trong điều trị triệt để mà chỉ có vai trò trong việc lấy bệnh phẩm để chẩn đoán bệnh. Ngày nay với sự tiến bộ của phẫu thuật nền sọ, kết hợp với nội soi đã mở ra cơ hội chữa khỏi bệnh cho những bệnh nhân ung thư vòm thể kém đáp ứng với tia xạ như thể sừng hóa hoặc tái phát.
Ngoài ra phẫu thuật còn có thể loại bỏ các hạch di căn ở vùng cổ giai đoạn còn khu Ngoài các phương pháp điều trị cơ bản như trên, các nhà khoa học hiện nay đang nỗ lực nghiên cứu các biện pháp điều trị mới dựa trên sinh học phân tử, công nghệ gen, miễn dịch học… và bước đầu đã cho thấy hiệu quả điều trị tích cực.
Tiên lượng bệnh phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh khi được phát hiện, nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm tỷ lệ sống trên 5 năm sau điều trị có thể lên tới trên 70%, nhiều trường hợp khỏi hẳn. Với ung thư vòm giai đoạn muộn, tỷ lệ tái phát và di căn sau điều trị rất cao, tỷ lệ sống thêm trên 5 năm thấp từ 10% tới 40%. Tiên lượng bệnh còn phụ thuộc nhiều vào thể ung thư, ung thư biểu mô không biệt hóa có tiên lượng tốt nhất vì rất nhạy cảm với tia xạ, ung thư mô liên kết có tiên lượng kém nhất.
Sau điều trị, người bệnh vẫn cần tự chăm sóc và hoạt động thể lực hợp lý để có được tình trạng sức khỏe chung tốt. Ngoài ra, nên vệ sinh miệng, họng; tập há miệng và xoa bóp vùng cổ hằng ngày để phòng, giảm các ảnh hưởng ngoại ý muộn do xạ trị. Không có một chỉ định riêng về vận động và làm việc cho người bệnh ung thư vòm họng.
Cách phòng tránh
Hiện tại các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu để phát triển vắc xin phòng virus Epstein-barr, một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của ung thư vòm họng. Trong khi chờ đợi các biện pháp phòng bệnh đặc hiệu như trên chúng ta có thể áp dụng các biện pháp khác để nâng cao sức khỏe nói chung, hạn chế các yếu tố nguy cơ khác của ung thư vòm như:
– Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có chế độ làm việc sinh hoạt hợp lý để nâng cao sức khỏe.
– Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu chất kích thích, hạn chế ăn các thức ăn lên men như dưa muối, cà muối…
– Điều trị sớm những viêm nhiễm ở đường mũi họng.
– Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở vùng tai mũi họng như đau đầu kéo dài, xì máu mũi, ù tai, hạch cổ to… nên đi khám chuyên khoa Tai – Mũi – Họng sớm để được nội soi vòm, loại trừ bệnh.
Ung thư vòm họng là loại ung thư phổ biến ở Việt Nam, là bệnh nguy hiểm, độ ác tính cao nhưng có thể được điều trị rất tốt nếu được phát hiện sớm do đó cần nhận biết các dấu hiệu sớm, của bệnh để đi khám kịp thời, người có nguy cơ cao như tuổi trung niên, hút thuốc lá nhiều… nên được khám Tai mũi họng định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện bệnh sớm.