Trang chủ Nhiếp ảnh 6 mẹo chụp ảnh đen trắng cổ điển bằng ánh sáng tự...

6 mẹo chụp ảnh đen trắng cổ điển bằng ánh sáng tự nhiên

Chụp ảnh chân dung đen trắng theo phong cách cổ điển không đơn giản chỉ là ngắm và chụp. Bức ảnh cần có chiều sâu, có hình khối và phản ánh tốt tâm trạng nhân vật. Chụp bằng ánh sáng tự nhiên càng khó. Bài viết chia sẻ một số kinh nghiệm của tác giả Wayne Radford đăng trên trang Digital Photography School, VnReview chuyển ngữ.

1. Ánh sáng tự nhiên cũng cần phải “xử lý”

Rất nhiều nhiếp ảnh gia lựa chọn sử dụng ánh sáng tự nhiên để xây dựng phong cách chụp ảnh của họ và đó hầu như là một đảm bảo cho chất lượng ảnh chụp. Tuy nhiên, mặc dù ánh sáng tự nhiên là một nguồn sáng tuyệt vời, thuận tiện trong sử dụng và cho hiệu ứng ánh sáng tốt trên đối tượng của bạn, nhưng bạn nên sử dụng nó giống như cách dùng ánh sáng đèn studio. Bạn cần phải “tạo ra” ánh sáng và bóng đổ để thêm cảm xúc hay tâm trạng cho bức ảnh, chứ không phải thứ ánh sáng “phẳng” không có hình khối hay tâm trạng.

chup-anh-den-trang_14.09.15_1

2. Tìm nguồn sáng có chất lượng và bóng đổ tốt

Trước tiên, tìm ánh sáng chất lượng tốt, thường là ở những nơi rộng rãi nhưng có bóng râm (open shade area), vì khi đó ánh sáng sẽ trải đều, mềm và độ tương phản thấp. Tránh việc chọn ánh sáng mặt trời là nguồn sáng chính của bạn vì nó sẽ gây bóng gắt (harsh shadow) hoặc khiến đối tượng chụp bị nheo mắt, điều này tất nhiên sẽ không thể mang lại bức chân dung chất lượng.

Không gian đổ bóng mở rất lý tưởng với chụp ảnh chân dung, bởi vì ánh sáng mặt trời sẽ không chiếu trực tiếp lên chủ thể, và vì bóng “mở” nên không gian này vẫn có đủ ánh sáng để tạo ra vẻ lấp lánh trong đôi mắt của người mẫu.

Dưới bóng râm của một cây cổ thụ hoặc ánh sáng của cửa sổ, bên dưới các mái hiên nhà, dưới bóng các toà nhà cao tầng, trong hành lang rộng nhiều ánh sáng,… là những ví dụ của open shade. Người mẫu sẽ đứng/ngồi trong bóng râm nhưng không hoàn toàn bị tách khỏi ánh sáng xung quanh, vì họ sẽ được đặt ở khoảng trung tâm của căn phòng hoặc ở giữa một khu vực có nhiều cây cối râm mát. Trong ảnh trên, các bé gái đứng ở vị trí khoảng 1,5 mét bên trong khu vực cửa ra vào của một nhà kho gỗ cũ.

Bạn cũng cần chú ý tìm kiếm các khu vực có bóng đổ khác. Bóng đổ sẽ giảm bớt độ gắt của ánh sáng và tạo ra hình khối, tâm trạng cho bức ảnh.

Sau khi đã xác định được vị trí chụp, hãy kiểm tra hậu cảnh. Ngay cả khi bạn đã tìm được một không gian đổ bóng mở hoàn hảo, bạn vẫn cần đảm bảo phần hậu cảnh không quá tương phản với các khu vực có ánh nắng mặt trời. Hậu cảnh tốt cần có sự đồng nhất (không bị phân tán hoặc chia cắt bởi các vật khác chen ngang), có độ tương phản thấp và sẫm màu hơn so với khuôn mặt của đối tượng. Điều này sẽ giúp khuôn mặt đối tượng nổi về phía trước do là phần sáng nhất so với hậu cảnh.

3. Tìm hướng ánh sáng

Khi tìm được nguồn sáng tốt, bạn cần kiểm tra hướng ánh sáng thích hợp. Bạn sẽ cần ánh sáng đi khuôn mặt đối tượng chụp của bạn vào khoảng 45 độ so với mũi, và từ một góc cao hơn. Góc cao đó cũng nên ở khoảng 45 độ, đây là điểm khởi đầu cơ bản.

Bạn có thể kiểm tra ánh sáng trong mắt (catchlight) bằng cách nhìn vào mắt đối tượng. Điểm sáng trong cả hai mắt đối tượng phải ở một trong hai vị trí 10-11 giờ hoặc 1-2 giờ (hình dung vị trí các kim đồng hồ tương ứng). Việc xác định điểm sáng này phụ thuộc vào bên mặt được chiếu sáng và cấu trúc của hốc mắt. Nếu đôi mắt sâu thì sẽ cần thiết lập nguồn sáng thấp hơn một chút. Bạn cũng nên chú ý phần bóng đổ trên mũi là vào khoảng 45 độ.

Để thay đổi catchlight bạn cần thay đổi góc nghiêng của đầu đối tượng bằng cách nghiêng nhiều hơn hoặc ít hơn. Bạn cũng có thể di chuyển đối tượng ra xa các cạnh của vùng đổ bóng để giảm góc chiếu của ánh sáng. Điều này khá trái ngược với việc điều chỉnh ánh sáng trong studio, nơi bạn có thể di chuyển các đèn. Ánh sáng tự nhiên là cố định, do đó bạn chỉ có thể di chuyển các đối tượng và/hoặc máy ảnh để đạt được ánh sáng tốt.

4. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn

Các điểm sáng trong mắt là rất quan trọng trong việc chụp ảnh chân dung. Chúng không chỉ hướng dẫn cho bạn biết ánh sáng đến từ đâu, mà còn tạo ra cảm giác về chiều sâu của ảnh. Không có catchlight đồng nghĩa với không có bức ảnh chân dung. Khi không có catchlight thì sẽ gần như không thấy màu sắc của mắt cũng như không có texture trong mắt. Hãy luôn quan sát kỹ đôi mắt của đối tượng trước khi chụp.

5. Tạo dáng đơn giản

Các bức chân dung minh hoạ trong bài viết được chụp theo phong cách cổ điển cơ bản, trong đó đối tượng nhìn vào máy ảnh. Bức ảnh sẽ có ánh sáng trải đều hơn khi vai của đối tượng hơi xoay nghiêng ra xa khỏi máy ảnh một góc cũng khoảng 45 độ. Cơ thể và đầu của các đối tượng hơi dựa vào nhau sẽ tạo một kết nối cảm xúc.

Một cách chụp khá tốt là để mui hơi xoay nhẹ khỏi hướng máy ảnh, đặc biệt là chụp với người lớn. Mũi hướng trực tiếp vào máy ảnh sẽ trông lớn hơn trong nhiều trường hợp, đặc biệt khi kết hợp với ánh sáng phẳng. Với trẻ em, nó không quan trọng và ánh sáng tốt sẽ tạo ra hình dạng tốt hơn.

Cánh tay và bàn tay cần phải được đặt tự nhiên và đơn giản để không gây sự chú ý. Trong hình ảnh số 1 và số 2 ở trên, các bàn tay hơi gập xuống dưới và nắm tay nhẹ nhàng. Bạn nên tránh để các ngón tay duỗi và choãi ra, đặc biệt là không để tay khoác lên vai, vì điều này có thể làm cho một bức chân dung trở nên rối và mất tập trung. Khuỷu tay cong 90 độ cũng nên tránh. Dưới đây là một câu thần chú đơn giản để nhớ khi nói đến chụp đầu, tay, chân, tay, hông, vai của đối tượng:

IF IT BENDS – BEND IT. IF IT CURVES – CURVE IT. IF IT TWISTS – TWIST IT (nếu nó gấp khúc thì hãy để nó gấp khúc, nếu nó uốn cong thì hãy uốn cong, nếu nó vắt xoắn vào nhau thì hãy vắt xoắn).

Áp dụng điều này sẽ giúp bạn tránh được những tư thế tĩnh.

6. Các biểu hiện trên khuôn mặt

Trên hết, các biểu hiện sắc thái khuôn mặt là yếu tố quan trọng nhất trong một bức chân dung. Trong hầu hết các trường hợp, một bức chân dung có thể không đủ ánh sáng hoặc tạo dáng chưa tốt vẫn có thể đẹp nếu có biểu hiện sắc thái tốt.

Biểu hiện sắc thái (expression) trong ảnh chụp chân dung là một yếu tố mang tính chất cá nhân của người chụp. Có thể bạn thích chụp những bức ảnh chân dung mang phong cách hơi buồn, trầm lắng để chuyển tải chiều sâu tâm hồn, nhưng cũng có thể người khác lại thích đưa vào ảnh những nụ cười, những cử chỉ vui nhộn. Những bức chân dung phong cách cổ điển sẽ nhấn vào những đôi mắt đẹp mở to, cơ mặt thoải mái, và hình dáng tự nhiên của đôi môi. Tất cả đều cần phải luyện tập.

Kết luận

Hãy “xử lý” ánh sáng tự nhiên như với ánh sáng studio, nghĩa là không được bỏ qua việc điều chỉnh nguồn ánh sáng.

Tìm ánh ánh sáng mềm mại chất lượng.

Tìm nơi có bóng đổ để tạo ra hình khối và tâm trạng cho ảnh.

Đặt chủ đề của bạn sao cho ánh sáng chiếu lên khuôn mặt theo góc 45 độ.

Nguồn sáng tự nhiên là cố định, do đó cần di chuyển đối tượng và máy ảnh của bạn để giảm độ cao của ánh sáng trong đôi mắt.

Kiểm tra catchlight trong mắt.

Đơn giản hóa việc tạo dáng cho đối tượng.

Biểu hiện cảm xúc nhẹ nhàng là phù hợp với các bức chân dung chụp kiểu cổ điển.

LƯU Ý ĐẶC BIỆT

Với mỗi bức ảnh minh hoạ trong bài, có thể chụp góc độ khác của khuôn mặt (2/3 mặt và cơ thể) bằng cách di chuyển vị trí camera. Mặc dù các tư thế và ánh sáng sẽ vẫn như cũ, bạn có thể phải điều chỉnh đầu nghiêng một chút và kiểm tra nguồn sáng của mình.

Màu sắc của quần áo đóng vai trò lớn với chất lượng của ảnh chân dung. Quần áo sẫm màu sẽ tốt hơn cho kiểu ảnh này. Do bạn cần tạo điểm nhấn cho đôi mắt, nơi sẽ sáng nhất trong trong bức chân dung, do đó, quần áo sáng màu khiến bức ảnh bị mất tập trung.

Theo Vnreview

Đánh giá bài viết
Exit mobile version