Nhiều người có thói quen ăn một bữa sáng thật lớn để bổ sung năng lượng cho cả ngày mà bỏ qua các bữa khác. Tuy nhiên, điều đó gây hại lớn tới sức khỏe.
Bữa sáng rất quan trọng, giúp bạn có năng lượng bắt đầu một ngày mới minh mẫn hơn. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều với suy nghĩ bù cho các bữa còn lại thì bạn đang gặp sai lầm.
Theo Livestrong, mới đây bằng chứng khoa học cho thấy bỏ qua các bữa ăn khác ngoài bữa sáng, không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mà còn tác động tới công việc hoặc kết quả học tập của bạn. Nếu đang duy trì việc chỉ ăn bữa sáng duy nhất trong ngày, những rủi ro tiềm ẩn dưới đây sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại.
Thiếu chất dinh dưỡng
Cơ thể bạn cần calo để hoạt động hiệu quả, nhưng cũng cần các chất dinh dưỡng trong thực phẩm để khỏe mạnh hơn. Bạn có thể thay thế bằng các loại thuốc bổ sung, nhưng chúng không thể hiệu quả bằng các thực phẩm tự nhiên. Ngoài ra, việc bỏ qua bữa trưa và bữa tối sẽ không thể bổ sung đầy đủ các dưỡng chất quan trọng như protein, kẽm, sắt, magiê, kali và canxi, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh như thiếu máu, loãng xương và thậm chí tổn thương não bộ.
Cản trở quá trình chuyển hóa
Bữa sáng có tác dụng khởi động sự trao đổi chất của cơ thể vào đầu ngày. Bất kỳ món ăn nhẹ hay các bữa ăn khác sau đó sẽ giúp cơ thể ổn định và kiểm soát cơn đói. Nếu bạn ngừng ăn sau bữa sáng, sự trao đổi chất sẽ dừng lại ở chế độ “đói”, làm chậm đáng kể việc lưu trữ năng lượng của cơ thể. Đặc biệt, khi đang quen với việc chỉ ăn sáng, bạn quyết định trở lại thói quen ăn uống bình thường (với 3 bữa chính và một vài bữa ăn nhẹ), điều này sẽ gây tăng cân nhanh chóng bởi sự trao đổi chất không quen với việc thay đổi cách tiêu thụ thức ăn thường xuyên.
Vấn đề nhận thức và tâm lý
Ăn đủ các bữa ăn thường xuyên sẽ đảm bảo rằng bộ não nhận đủ lượng đường để hoạt động đúng và hỗ trợ các tế bào thần kinh.
Khi đó, bạn sẽ gặp phải nhiều tác dụng phụ tiêu cực như mất trí nhớ, khó tập trung, đồng thời thay đổi tâm trạng và gây tổn thương đến não bộ, làm xáo trộn khả năng phân biệt giữa đói và no.
Giảm đột biến lượng đường trong máu
Khi bạn ăn, cơ thể phân thức ăn thành 2 phần: chất béo và năng lượng. Các chất béo được lưu trữ trong khi năng lượng đi vào máu dưới dạng đường để phục vụ hoạt động của các cơ quan và giúp cơ thể khỏe mạnh. Bạn có thể cung cấp cho cơ thể năng lượng vào buổi sáng, nhưng bỏ qua dinh dưỡng trong các bữa còn lại sẽ làm giảm nghiêm trọng lượng đường trong máu. Bạn sẽ cảm thấy chậm chạp, mệt mỏi, dễ cáu kỉnh và bồn chồn, có khả năng gây tổn hại đến hiệu suất công việc hoặc học tập. Điều này xảy ra thường xuyên sẽ tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.