Trang chủ Sức khỏe Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh

Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh

Hiện nay, các trường hợp nhiễm khuẩn rốn nặng ngày càng ít, uốn ván rốn thì thật sự hiếm gặp. Tuy nhiên, việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh tại gia đình nhất là các kỹ năng, biện pháp xử lý với các trường hợp rốn không khô, có mùi hôi, rốn rỉ máu… vẫn chưa được quan tâm tư vấn đầy đủ.

Sau khi thai nhi được đưa ra khỏi bụng mẹ, các thầy thuốc sẽ cắt, buộc và băng rốn trẻ lại. Nếu người mẹ vẫn ở các cơ sở y tế thì việc chăm sóc rốn chủ yếu do các thầy thuốc, điều dưỡng viên. Nếu là đẻ thường, không có các nguy cơ, sản phụ được thầy thuốc cho về nhà tự theo dõi tiếp, hoặc sản phụ được đẻ tại nhà do các bà đỡ thôn, bản đỡ đẻ thì việc chăm sóc rốn, theo dõi phát hiện các bất thường của rốn lại do chính các sản phụ (hoặc người nhà) thực hiện.

Cham-soc-ron-treNguyên tắc của chăm sóc rốn

Chăm sóc rốn là một quá trình liên tục, phải làm từ ngay sau đẻ tới khi rụng lên sẹo khô. Phải bảo đảm vô khuẩn khi cắt rốn và làm rốn.

Việc chăm sóc rốn phải có sự hướng dẫn của thầy thuốc chỉ thực hiện những gì đã được thầy thuốc hướng dẫn, không rắc bột kháng sinh, không bôi thuốc đỏ vào rốn; chỉ dùng các thuốc đã được các bác sĩ chỉ định; rốn phải bảo đảm được khô (không để nước tiểu, nước tắm… làm ướt rốn); rốn phải được cố định, băng lại bằng gạc sạch để không bị cọ sát khi trẻ cử động, nhưng phải bảo đảm thoáng; rốn phải được tự rụng.

Các trường hợp bình thường có thể tự chăm sóc

Nếu rốn khô, dùng glutaraldehyd lau cuốn rốn hằng ngày (thuốc này được bác sĩ kê đơn và mua tại các nhà thuốc), sau đó đặt gạc sạch và băng lại. Cuống rốn sẽ rụng tự nhiên sau 6 – 8 ngày. Khi rốn mới rụng vẫn phải giữ khô, sạch, lau bằng glutaraldehyd (sau khoảng 2 – 3 ngày) và băng gạc sạch cho tới khi lên sẹo (khoảng 1 – 2 tuần).

Các trường hợp cần thận trọng

Trường hợp rốn có mùi hôi, quanh rốn nổi mẩn hay ẩm ướt, chậm rụng: Dùng i-ốt để chấm ngày hai lần, băng rốn bằng gạc mỏng, thoáng, tuyệt đối không rắc bột kháng sinh vào rốn (những năm trước đây đã thực hiện như vậy, nhưng qua thực tế theo dõi thấy không tốt cho rốn).

Nếu rốn khô trở lại thì tiếp tục dùng glutaraldehyd lau cuống rốn hằng ngày cho tới khi rốn rụng tự nhiên; tiếp tục giữ khô, sạch cho tới khi lên sẹo (như các trường hợp tự chăm sóc đã nêu ở trên).

Nếu qua 1 ngày, rốn vẫn không khô trở lại cần đưa đến cơ sở y tế.

Nếu thấy loét quanh rốn, rửa nhẹ bằng nước muối sinh lý, ngày 2 lần, băng bằng gạc thật mỏng, để thoáng. Nếu sau 1 ngày thấy vết loét giảm, tiến triển tốt lên, tiếp tục rửa nhẹ bằng nước muối sinh lý đến khi hết loét, rốn khô. Sau đó tiến hành chăm sóc rốn như các trường hợp tự chăm sóc đã nêu ở trên. Nếu thấy vết loét không giảm hoặc lan rộng và sâu hơn, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế.

Các trường hợp cần đưa đến cơ sở y tế

Là các trường hợp đẻ rơi hoặc đẻ tại nhà nhưng do những bà đỡ chưa được huấn luyện. Các trường hợp này điều kiện vô khuẩn không được bảo đảm nên cần đưa ngay tới cơ sở y tế, không tự chăm sóc rốn ở nhà. Tại cơ sở y tế, nếu có điều kiện trẻ còn được tiêm một liều huyết thanh chống uốn ván (SAT 1500 đơn vị).

Nếu trong quá trình chăm sóc, thấy rốn rỉ máu, chảy máu (cả khi rốn chưa rụng hoặc khi rốn đã rụng); rốn hôi, chảy nước mầu vàng; rốn sưng đỏ, có mủ; rốn có u hạt to, ướt rốn; không khô và trẻ sốt cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế.

Tại các cơ sở y tế, thầy thuốc sẽ có sự chăm sóc và theo dõi sát sao, tùy từng trường hợp mà trẻ sơ sinh sẽ được khâu buộc lại rốn, dùng vitamin K chống chảy máu, kháng sinh chống nhiễm khuẩn…

Có như vậy mới tránh được các biến chứng không đáng có cho trẻ sơ sinh.

Đánh giá bài viết
Exit mobile version