Bác sĩ Trần Thị Liên, trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Saint Paul, cho biết, vàng da sơ sinh là hiện tượng sinh lý xảy ra do các hồng cầu của thai nhi bị phá huỷ để được thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Khi bị vỡ, hồng cầu phóng thích vào máu một lượng lớn chất bilirubin có sắc tố vàng. Chính sự gia tăng của chất này làm da có màu vàng. Có 2 loại vàng da sơ sinh: vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý.
_ Vàng da bệnh lý chiếm tỷ lệ khoảng 25 – 30%. Là hiện tượng chất bilirubin tự do trong máu tăng quá cao. Da của trẻ có thể bị vàng ngay từ ngày đầu lọt lòng. Các vùng da bị vàng lan rộng rất nhanh, bắt đầu từ mặt, đến ngực, bụng rồi lan dần xuống hai tay, hai chân. Các triệu chứng kèm theo như trẻ ngủ li bì, bú ít, sốt cao. Nước tiểu trong, đi đại tiện một lần/ngày. Nguyên nhân chính gây bệnh vàng da là mẹ và con bất đồng nhóm máu APO hoặc Rh, hạ đường huyết, đa hồng cầu, bướu máu…
Vàng da nhân – căn bệnh khó chữa
Theo bác sĩ Liên, trẻ bị bệnh vàng da thường trở nặng ở những trường hợp sinh non, thiếu tháng, trẻ nhẹ cân. Trẻ mắc bệnh vàng da, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, chất bilirubin nhanh chóng chạy lên não, làm tổn thương não dẫn đến bị vàng da nhân. Vùng da bị vàng lan đến lòng bàn tay, bàn chân. Triệu chứng ban đầu của bệnh vàng da nhân là toàn thân cứng, vặn xoắn, co giật, gan to. Bác sĩ Liên cho biết thêm, hiện nay vàng da nhân vẫn là một trong những căn bệnh còn khó chữa khỏi. Trẻ dễ bị tử vong hoặc mắc các di chứng lâu dài: giảm thị lực, thính lực, chậm phát triển trí tuệ…
Chiếu đèn:
Được chỉ định đối với trẻ (có cân nặng trên 2,5kg) có nồng độ bilirubin trong máu vào ngày thứ nhất: 40mg/l; ngày thứ 2: 130mg/1; ngày thứ 3: 160mg/l.
Dùng nguồn ánh sáng mầu xanh dương từ bóng đèn compact, hallogen tác động lên các phân tử bilirubin ở dưới da trẻ. Các phân tử này bị biến thành các dạng đồng phân quang học, không độc, tan trong nước, dễ dàng được thải qua nước tiểu. Chiếu đèn liên tục từ 3 – 15 ngày, tuỳ theo mức độ của bệnh. Có thể cho trẻ chiếu đèn trong lồng ấp, giữ nhiệt độ từ 30 – 32oC. Cân nặng của trẻ càng thấp, nhiệt độ trong lồng ấp càng cao.
Lưu ý khi chiếu đèn: cần cho trẻ uống thêm nước, bú nhiều để bổ sung nước cho cơ thể. Hoặc truyền thêm dung dịch đường 10%.
Thay máu:
Được chỉ định đối với trẻ (có cân nặng trên 2,5kg) có nồng độ bilirubin trong máu vào ngày thứ 1 và ngày thứ 2: 180mg/l; ngày thứ 3: 200mg/l.
Qua đường tĩnh mạch rốn, dùng bơm tiêm hút ra một lượng máu nhất định sau đó lại bơm vào cơ thể trẻ một lượng máu tương đương. Sau mỗi lần thay máu, cần kiểm tra lại nồng độ bilirubin. Nếu nồng độ này vẫn cao, cần thay lần tiếp theo cho đến khi nồng độ bilirubin đạt mức cho phép.
Lượng máu được chỉ định đối với trẻ sinh đủ tháng từ 150 – 160ml/kg/lần; trẻ sinh thiếu tháng từ 180 – 190ml/kg/lần.