Ngoài lượng chất đạm cao, thịt bò còn cung cấp chất sắt, kẽm và các vitamin B2, B6, B12, tốt cho hệ miễn dịch, thúc đẩy quá trình tái tạo hồng cầu.
Chất sắt có trong thịt bò giúp phục hồi nhanh các tế bào máu và cần thiết cho việc cung cấp ôxy cho các tế bào trong cơ thể.
Bên cạnh các lợi ích của thịt bò, cũng cần lưu ý nếu sử dụng liên tục và quá nhiều thịt bò sẽ có nguy cơ mắc các bệnh Alzheimer, bệnh gút… Ngoài ra các phần gầu, nạm, những phần thịt ở các vị trí bụng bò có chứa nhiều mỡ không có lợi cho sức khỏe. Một số phần khác ở vị trí đùi sau, chân bò thì thịt thường bị dai, cứng.
Các món phở bò, phở áp chảo, bún bò Huế, bò bít tết, bò lúc lắc, bò nướng lá lốt… luôn được nhiều người ưa thích. Mỗi món ăn có cách chế biến khác nhau cũng như sử dụng những phần thịt khác nhau. Để chế biến các món từ thịt bò được ngon và cơ thể hấp thu tốt nhất, cần chú ý các điểm sau đây:
Với các món ăn cần nấu thịt bò lâu và chín mềm như món phở bò, bún bò Huế cần chọn loại thịt có lẫn gân, mỡ như phần bắp bò, gầu, nạm, gân bò. Mỗi loại thịt có thời gian chín mềm khác nhau. Nạm bò ở gần sườn có thời gian chín khoảng 2h, gầu và bắp bò khoảng 2h30, gân bò là phần lâu mềm nhất, mất từ 3h – 3h30. Độ mềm của miếng thịt còn tùy độ tuổi giết mổ, giống bò và độ lớn, nhỏ của tảng thịt. Các phần thịt nhỏ, ở phần rìa sẽ nhanh mềm hơn các tảng thịt lớn hoặc các phần thịt ở trung tâm.
Với các phần thịt thăn lưng, đùi thường sử dụng cho các món như xào, nướng, lúc lắc, bít tết, cần chú ý không nên xào nấu lâu hoặc chín kỹ vì sẽ làm thịt bị dai, cứng. Một số món khi chế biến dễ bị khô. Do đó khi ướp các loại thịt cho những món kể trên nên cho vào một ít dầu thực vật sẽ giúp thịt mềm mại, hạn chế khô, cứng. Với những món kể trên không nên ướp quá lâu và tránh sử dụng muối trong khi ướp để không làm mất đi hương vị thơm ngon của thịt bò và không làm thịt bị cứng.