Trong xã hội hiện đại, con người ngày càng chịu nhiều sức ép của công việc. Giới công chức và sinh viên cả ngày dán mắt vào công việc cũng như màn hình vi tính, đọc và học với khối lượng gần gấp 3 lần cha ông của mình.
Mặt khác, hệ thống thị giác được “thiết kế” để nhìn xa chứ không phải suốt ngày nhìn gần, do đó gần như tất yếu điều này dẫn đến hậu quả là hệ thống thị giác bị quá tải, mệt mỏi, nhức mỏi mắt dễ xuất hiện và gia tăng độ cận thị. Việc quan tâm và giáo dục về vệ sinh thị giác cho mọi người là điều rất cần thiết.
– Mệt mỏi mắt.
– Đau đầu.
– Nhìn mờ (thị giác xa và nhất là thị giác gần).
– Làm giảm chức năng thị giác.
Giải pháp:
– Nghỉ ngơi thị giác từng lúc
Đây là 1 động tác tương đối đơn giản nhưng khá hữu hiệu để làm giảm căng thẳng do nhìn gần quá lâu. Không làm bất cứ việc gì phải huy động thị giác gần quá 45 phút, việc nghỉ định kỳ mỗi 45 phút giúp đầu óc thư thái hơn, làm giảm sự căng thẳng sau đó ta làm việc sẽ hiệu quả hơn.
– Nếu máy tính đang xử lý thông tin hoặc download, không nhìn chăm chăm vào màn hình mà nhìn ra xa xung quanh.
– Nếu hình ảnh xung quanh bị mờ phải cho mắt nghỉ lâu hơn.
– Mặc dù chỉ đứng dậy để đi vòng quanh nhưng việc đó cũng giúp cho thị giác được nghỉ ngơi.
– Khi đọc sách nên làm dấu cách đó 3-4 trang, đọc đến chỗ làm dấu lại đi 1 vòng khoảng 1 phút.
Điều kiện chiếu sáng
– Ánh sáng dùng làm việc gần phải có cường độ lớn gấp 3 lần cường độ ánh sáng trong phòng.
– Không nên chỉ dùng 1 ngọn đèn để đọc sách trong phòng tối.
– Cần tránh sự phản xạ bề mặt (đó là các phản xạ từ mặt giấy hoặc màn hình máy tính) khi chúng ta làm việc gần.
– Nên sử dụng kết hợp đèn bóng tròn và đèn tube.
– Việc chiếu sáng được xem là tốt nhất cho việc đọc sách là chiếu sáng từ sau và trên xuống.
– Cũng có thể kết hợp ánh sáng nhân tạo và ánh sáng mặt trời. Cả phòng nên được chiếu sáng đầy đủ.
Khoảng cách lý tưởng để đọc sách gần là khoảng cách Harmon (Harmon-distance) là khoảng cách đo từ chỗ đầu ngón cái và ngón trỏ cong lại đến cùi chỏ. Khoảng cách trung bình để đọc sách đối với người lớn là 35-40cm (đối với trẻ em khoảng cách này sẽ gần hơn).
Việc đọc sách quá gần sẽ dẫn đến nỗ lực về thị giác quá lớn do việc gia tăng sức điều tiết và cũng có thể làm xuất hiện và gia tăng độ cận thị.
Tư thế
– Ngồi ngay ngắn trên bàn làm việc, ngực và lưng thẳng khi đó mắt sẽ cách sách hoặc màn hình máy tính 1 khoảng cách giống nhau.
– Nếu ngồi tư thế không đúng, quá gần sách vở hoặc gần máy tính sẽ làm cho mau mỏi cổ, mỏi lưng và làm giảm hiệu suất công việc.
– Không nên đọc sách khi nằm ngửa, nằm sấp hoặc nằm nghiêng. Khi xem TV, không nên xem ở tư thế nằm mà nên ngồi ngay ngắn.
– Khi cầm viết, nên cầm cách đầu viết khoảng 2,5cm để tránh phải nghiêng đầu để xem những gì đang viết.
– Nên xoay tập nghiêng theo 1 góc (khoảng 250) đồng phương với góc nghiêng của tay cầm bút.
– Khi đặt sách lên mặt bàn thì khoảng cách từ mắt đến đầu trang sách sẽ lớn hơn khoảng cách từ mắt đến cuối trang, điều này dẫn tới mắt sẽ bị áp lực nhiều hơn khi đọc đến cuối trang. Do đó nên để nghiêng sách lên 1 góc khoảng 200.
Xem truyền hình
– Nên xem TV ở khoảng cách bằng 7 lần chiều rộng của màn hình TV, khoảng 2,5-3m.
– Nên ngồi thẳng khi xem và nên có chiếu sáng trong phòng, nhưng tránh ánh đèn phản xạ trực tiếp lên màn hình.
– Việc xem TV giúp trẻ phát triển các kỹ năng về thị giác, do đó đối với trẻ em nên xem TV nhưng giới hạn khoảng 1 đến vài giờ/ngày.
– Nếu có tật khúc xạ (TKX) nên đeo kính khi xem TV nhằm giúp nhìn rõ và thoải mái về thị giác.
– Khi xem TV cũng không nên chỉ tập trung vào màn hình mà nên vận dụng thị giác để nhận biết các sự vật xung quanh ngoài TV.
– Nên chơi thể thao và tham gia các hoạt động ngoài trời vì các hoạt động này thường đòi hỏi thị giác xa hơn là thị giác gần.
– Đối với học sinh, sinh viên cũng như trí thức việc chơi thể thao cũng làm giảm đáng kể các stress về tâm lý đúng theo châm ngôn “một trí thông minh trong một cơ thể khỏe mạnh”.
– Khi đi dạo ngoài trời, nên giữ đầu ở tư thế thẳng mắt mở to và nhìn thẳng về phía trước, nhìn lướt qua sự vật xung quanh chứ không nhìn chăm chú.
– Khi đi tàu xe, máy bay hay xe lửa không nên đọc sách vì chuyển động lắc lư gập ghềnh làm mắt thay đổi điều tiết liên tục dẫn đến mệt mỏi về thị giác. Nên nhìn cảnh vật xung quanh để thư giãn thị giác.
Kính trợ giúp thị giác gần
– Việc đeo kính trợ giúp cho thị giác gần là rất cần thiết, đặc biệt đối với người có mắc các TKX hoặc có bất đồng khúc xạ.
– Kính trợ giúp cho thị giác gần được đeo ngay cả khi thị lực là 10/10 và người đó vẫn chưa bị lão thị. Việc đeo kính này giúp làm việc gần thoải mái hơn, kéo dài hơn vì nó làm giảm các nỗ lực về mặt thị giác.
– Nếu làm việc gần không thoải mái (mỏi mắt, nhức đầu) nên đi khám để xác định đúng TKX và đeo kính thích hợp.