Tự động kiểm soát mức độ phơi sáng là một trong những đặc tính cực kỳ hữu dụng của máy ảnh kỹ thuật số. Đối với ai đã từng sử dụng máy ảnh có hệ thống này hoạt động không tốt thì sẽ nhận thấy rõ tầm quan trọng của hệ thống kiểm soát độ phơi sáng.
Tự động kiểm soát độ phơi sáng đồng nghĩa với việc máy ảnh sẽ đo cường độ sáng từ đó lựa chọn tốc độ trập và độ mở ống kính phù hợp. Tuy nhiên hệ thống đo sáng này không phải lúc nào cũng cho kết quả chính xác trong tất cả các điều kiện chiếu sáng khác nhau, cũng như đáp ứng được các nhu cầu của người chụp. Trong một số kiểu chiếu sáng nhất định có thể gây lầm lẫn cho hệ thống đo sáng dẫn đến ảnh chụp hoặc là quá sáng (overexposure) hoặc là quá tối (underexposure). Mặc dù có thể chỉnh lại độ sáng tối của ảnh bằng các phần mềm chỉnh sửa (Photo editing), nhưng các chi tiết bị mất do nằm trong vùng quá sáng hoặc quá tối sẽ không thể nào phục hồi được. Người chụp có kinh nghiệm sẽ nhận thấy trong một số trường hợp cần phải tự tay chỉnh mức độ phơi sáng.
Chế độ đo sáng tự động hoạt động tốt trong trường hợp nào?
Hầu hết các cảnh chụp thông thường được chiếu sáng với cường độ sáng trung bình thì đều có thể chụp bằng chế độ tự động đo sáng. Thông thường thì đó là các cảnh chụp ngoài trời, dưới ánh nắng, khi chụp không bị ngược sáng hoặc các cảnh chụp trong nhà được chiếu sáng với cường độ sáng trung bình và chủ đề chụp được chiếu sáng bởi nhiều nguồn sáng.
Bức ảnh trên được chụp với độ phơi sáng phù hợp. Nếu độ phơi sáng chỉ tăng lên một chút (hoặc giảm đi) thì các chi tiết trong vùng sáng (hoặc vùng tối) sẽ bị mất mà không thể nào phục hồi được bằng các phần mềm photo editing.
Không dùng chế độ tự động chỉnh độ phơi sáng trong trường hợp nào?
Về mặt lý thuyết tất cả các cảnh chụp có mức độ chiếu sáng tối hơn hoặc sáng hơn độ sáng trung bình của thang xám (middle gray scale) đều cần chỉnh độ phơi sáng.
Các cảnh chụp cần tăng độ phơi sáng:
– Khi chụp phong cảnh bờ biển, bãi cát trắng, hoặc vùng tuyết hệ thống tự động chỉnh độ phơi sáng không nhận biết được đây là những cảnh cần phải có hình ảnh sáng hơn thông thường do đó hệ thống này hoạt động sẽ khiến cho hình ảnh thu được quá tối. Nhằm thu được hình ảnh có mức độ sáng phù hợp người chụp cần tăng mức độ phơi sáng.
Trong hai ảnh trên: ảnh bên phải được chụp với chế độ tăng mức độ phơi sáng, ảnh bên trái được chụp ở chế độ tự động.
– Chủ đề chụp có hậu cảnh rất sáng ví dụ như chụp chân dung mà hậu cảnh là bầu trời hoặc vùng tuyết trắng, mức độ sáng của hậu cảnh sẽ khiến cho hệ thống tự động chỉnh độ phơi sáng nhầm lẫn khiến cho chân dung người chụp trở nên quá tối, trong trường hợp này cần phải tăng độ phơi sáng.
Các cảnh chụp cần giảm mức độ phơi sáng:
– Khi chụp các cảnh mà chủ đề chụp thường có mầu sẫm tối ảnh chụp thường quá sáng do đó cần phải giảm độ phơi sáng.
– Chủ đề chụp có hậu cảnh rất tối: Khi chủ đề chụp là một vùng sáng nhỏ nằm trên một nền hậu cảnh tối lớn, hệ thống tự động đo sáng sẽ cho rằng toàn bộ hình ảnh chụp tối hơn thông thường và tăng độ phơi sáng khiến cho chủ đề chụp có hình ảnh sáng hơn thông thường (ảnh chụp bị quá sáng).
Một số cảnh chụp đặc biệt có độ tương phản rất cao, vượt quá khả năng sử lý của bộ cảm nhận sáng (sự khác biệt giữa vùng tối và vùng sáng quá lớn), lúc này người chụp phải quyết định giữ lấy các chi tiết ở vùng sáng hay vùng tối bằng cách giảm hay tăng độ phơi sáng.
Tăng hay giảm mức độ phơi sáng của hình ảnh như thế nào?
Hầu hết các máy ảnh đều cung cấp tùy chọn cho phép tăng, giảm mức độ phơi sáng (exposure compensation). Tùy chọn này cho phép người chụp tăng hoặc giảm độ sáng của hình ảnh. Để tăng độ sáng của hình ảnh người chụp chỉ việc tăng độ phơi sáng, để giảm độ sáng chỉ cần giảm mức độ phơi sáng. Việc sử dụng chế độ bù trừ độ phơi sáng rất đơn giản bởi mỗi khi tăng hoặc giảm độ phơi sáng người chụp sẽ nhận thấy ngay sự thay đổi của hình ảnh hiển thị trên màn hình LCD.
Để sử dụng tùy chọn này người chụp cần đọc hướng dẫn sử dụng đi kèm theo máy phần Exposure compensation.