Thiếu ngủ mạn tính có thể ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần của bạn và làm tăng nguy cơ gây ra các bệnh lý như lo âu, trầm cảm, tim mạch, cao huyết áp và có nguy cơ dẫn tới đột quỵ.
Thực phẩm chứa caffein có thể khiến bạn tỉnh táo cả đêm
Có nhiều yếu tố, bao gồm cả việc ăn gì vào bữa tối có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hơn, theo Healthline.
1. Thực phẩm và đồ uống có chứa caffein
Caffein là chất kích thích hệ thần kinh trung ương, làm tăng cảm giác tỉnh táo và khiến bạn cảm thấy tràn đầy sinh lực hơn.
Do tác động này, các loại thực phẩm và đồ uống có chứa caffein, bao gồm soda, cà phê, trà và các sản phẩm sôcôla có chứa caffein có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ và khiến bạn tỉnh táo vào ban đêm.
Thực tế, một nghiên cứu cho thấy uống cà phê có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, thậm chí khi uống trước lúc ngủ nhiều giờ.
Tình trạng thiếu ngủ do tiêu thụ caffein có thể khiến bạn uống nhiều caffein vào ngày hôm sau để chống lại cảm giác mệt mỏi, điều này lại tạo thành một “vòng luẩn quẩn” khiến bạn lại khó ngủ hơn vào đêm hôm sau.
2. Thức ăn cay
Đồ cay thường gây khó tiêu và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của chứng ợ nóng và trào ngược a xít, theo Healthline.
Khi nằm, a xít có thể trào ngược lên thực quản và gây kích ứng. Điều này có thể làm tỉnh táo vào ban đêm và dẫn đến rối loạn giấc ngủ.
3. Thực phẩm có chỉ số đường huyết cao
Thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao làm tăng nhanh chóng lượng đường trong máu. Những thực phẩm này bao gồm carbs tinh chế như bánh mì trắng, đồ ngọt và thực phẩm thêm nhiều đường.
Một nghiên cứu trên hơn 77.000 phụ nữ đã phát hiện ra rằng những người ăn nhiều thực phẩm có chỉ số đường huyết cao – có nhiều khả năng bị mất ngủ trong thời gian theo dõi 3 năm.
Chế độ ăn có đường huyết cao cũng kích hoạt các phản ứng viêm trong cơ thể và tạo ra sự mất cân bằng trong vi khuẩn đường ruột có lợi, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.
4. Đồ béo
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ.
Ngoài ra, ăn nhiều chất béo vào buổi tối có thể ảnh hưởng đến khả năng đi vào giấc ngủ.
Nguyên nhân có thể là do hệ tiêu hóa hoạt động chậm lại trong khi ngủ, vì vậy ăn một bữa ăn nhiều chất béo có thể làm hệ tiêu hóa bị quá tải, dẫn đến cảm giác khó chịu có thể khiến thức trắng vào ban đêm, theo Healthline.
5. Thức ăn nhanh
Một nghiên cứu trên 118.462 thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi, đã phát hiện ra rằng ăn nhiều thức ăn nhanh, như mì gói và đồ ngọt có thể rút ngắn thời gian ngủ và giảm chất lượng giấc ngủ.
Ăn nhiều thức ăn nhanh, mì gói và đồ ngọt có thể rút ngắn thời gian ngủ và giảm chất lượng giấc ngủ
Hơn nữa, chế độ ăn nhiều thực phẩm được chế biến kỹ có thể dẫn đến tăng cân. Các nghiên cứu cho thấy những người bị thừa cân hoặc béo phì có xu hướng gặp nhiều vấn đề về giấc ngủ hơn.
Béo phì có thể dẫn đến tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ – có thể gây khó thở vào ban đêm, dẫn đến mất ngủ.
6. Đồ uống có cồn
Nhiều người thích uống 1 – 2 ly vào ban đêm để thư giãn và nghỉ ngơi trước khi đi ngủ.
Mặc dù ban đầu uống một ít đồ uống có cồn có thể khiến cảm thấy mệt mỏi dễ ngủ, nhưng các nghiên cứu cho thấy uống rượu có thể gây rối loạn giấc ngủ và khiến tỉnh táo vào ban đêm.
Điều đặc biệt là rượu làm buồn ngủ nhanh hơn, nhưng sau đó làm gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm khi nồng độ cồn trong máu giảm, theo Healthline.