“Những bệnh nhân ung thư ổn định vài chục năm đều là những bệnh nhân lạc quan và có khát vọng sống rất cao” BS Huỳnh Hồng Hạnh
Bác sĩ Lưu Văn Minh, trưởng khoa xạ 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho rằng việc sử dụng các chất phụ gia, bảo quản ngoài quy định còn phổ biến. Những chất này đôi lúc tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, trong đó có những chất có khả năng gây ung thư. Để tránh tình trạng trên, mọi người nên sử dụng thực phẩm được các cơ quan chức năng kiểm định như rau an toàn, thực phẩm sử dụng các chất phụ gia được cấp phép… Theo bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh, phó khoa ngoại 4 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chế độ ăn phòng ngừa ung thư được khuyến cáo là ăn chay, nhiều rau cải, trái cây, hạt, đậu, hạn chế thịt đỏ, sản phẩm từ sữa, mỡ động vật, đường.
Thói quen ăn uống có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh ung thư?
Bác sĩ Lưu Văn Minh tư vấn: để phòng tránh bệnh ung thư nên sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật, hạn chế nhiều thịt đỏ, chất béo và các đồ uống có cồn, tránh xa những thực phẩm được bảo quản bởi phụ gia và hóa chất độc hại. Việc chế biến thực phẩm cũng góp phần hạn chế sinh ra những chất trung gian gây ung thư như: tránh dùng cá muối vì có nhiều chất nitrosamine gây ung thư, hạn chế những thực phẩm nướng hoặc chiên dưới nhiệt độ cao sẽ tạo nên những chất trung gian sinh ung thư…
Từng nghe truyền miệng liệu pháp ăn kiêng hoặc nhịn ăn chữa được bệnh ung thư nên bạn đọc Phạm Anh, 39 tuổi, gửi câu hỏi: “Bệnh nhân ung thư nên sống vui vẻ, lạc quan, ăn uống bổ dưỡng để chống lại bệnh tật hay phải thực hiện chế độ ăn kiêng ngặt nghèo hoặc nhịn ăn?”. Bác sĩ Hạnh cho rằng với bệnh ung thư chỉ cần có chế độ ăn và sinh hoạt phù hợp, không cần thiết phải ăn kiêng hay nhịn ăn. Sống lạc quan, vui vẻ cũng rất cần thiết. Thực tế cho thấy những bệnh nhân ung thư ổn định vài chục năm đều là những bệnh nhân lạc quan và có khát vọng sống rất cao. Khi đã xác định mục đích sống vì người thân sẽ giúp bệnh nhân vượt qua những trở ngại trong điều trị.
Sản phẩm lên men có làm tăng nguy cơ ung thư?
Người Việt sử dụng nhiều loại thực phẩm được ủ lâu ngày hay lên men như nước mắm, các loại khô mắm, chao, tương hột… Vậy các loại thực phẩm này có làm tăng nguy cơ ung thư không? Ngoài ra, nấu nướng ở nhiệt độ cao có thể tăng nguy cơ gây ung thư từ thức ăn? Bác sĩ Minh khẳng định việc nấu nướng thức ăn ở nhiệt độ cao, đặc biệt là chế biến các loại thịt động vật bằng cách chiên hoặc nướng sẽ tạo ra những chất trung gian có khả năng sinh ung thư. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy các loại thực phẩm lên men như nước nắm, chao, tương hột làm tăng nguy cơ ung thư.
Một vấn đề khác cũng nhận được sự quan tâm lớn của bạn đọc là bệnh ung thư có chữa trị được không. Tại sao người bị bệnh ung thư ở nước ta không sớm thì muộn cũng phải ra đi, các bác sĩ thường bó tay? Có cách nào tầm soát bệnh này hiệu quả nhất và tránh được bệnh? Bác sĩ Huỳnh Hồng Hạnh cho biết bệnh ung thư nếu điều trị ở giai đoạn sớm rất hiệu quả. Có nhiều bệnh nhân điều trị ổn định trên 10 năm và vẫn sống vui, sống khỏe. Đối với bệnh ung thư vú, điều trị ở giai đoạn sớm tỉ lệ chữa khỏi có thể lên đến 70-80%. Quan trọng là người dân phải được tầm soát định kỳ để phát hiện sớm ung thư, có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý vì 30-40% ung thư có liên quan tới ăn uống, lối sống.