Hàng năm cứ vào khoảng đầu tháng 6 là vải thiều bắt đầu rộ chín, người nông dân ở các vựa vải bắt đầu hối hả thu hoạch. Trên các đường phố ở Hà Nội có thể dễ dàng bắt gặp nhiều xe thồ, xe máy với 2 sọt vải cao chất ngất được chở đi bán với mức giá có thể nói là rất rẻ. Nếu như đầu mùa quả vải còn xanh, chưa ngon lắm có mức giá từ 30.000 – 35.000 VNĐ/kg thì ở thời điểm hiện tại giá vải chín ngọt, quả chín hồng, mã đẹp cũng chỉ dao động trong khoảng 8.000 – 12.000 VNĐ/kg.
Giống vải được trồng nhiều và ưa chuộng nhất ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở 2 huyện Thanh Hà – Hải Dương và huyện Lục Ngạn – Bắc Giang, có lẽ do điều kiện thiên nhiên nơi đây phù hợp nên hương vị trái vải thơm ngon hơn cả, hạt nhỏ, cùi dày, mọng nước và rất ngọt.
Kinh nghiệm chọn vải ngon của mình là không nên chọn những chùm vải có quả to mà chỉ mua những chùm vải quả tròn, nhỏ vừa phải, cỡ to hơn ngón chân cái một chút. Cành, lá và cuống phải tươi, nếu không vải rất dễ bị sâu đầu. Vỏ quả vải có màu đỏ hồng, không có đốm, cầm tay bóp nhẹ thấy căng mọng, bằng cảm quan có thể dễ dàng nhận thấy nhưng quả vải như vậy thì phần vỏ tương đối nhẵn, ít sần sùi.
Kỹ tính hơn các bạn có thể bóc một quả nếm thử, người bán đa số rất dễ tính, bạn có thể nếm vài ba quả cũng không sao. Những quả vải tươi ngon khi bóc sẽ thấy lớp vỏ mềm, dễ xé và lớp lụa bên trong mỏng dính, trắng tinh. Cùi vải dày, thơm ngọt, hạt bé xíu. Tinh ý hơn một chút sẽ nhận ra vị ngọt của vải Thanh Hà rất thanh, hoàn toàn không có vị chua đọng lại sau khi nuốt như những loại vải được trồng ở nơi khác.
Năm nay vải lại được mùa, giá rẻ nên mình cũng mua thường xuyên và có ý định tích trữ để ăn dần. Cách mà mình vẫn dùng để bảo quản vải giữ được độ tươi ngon trong thời gian từ 1 tháng đổ xuống là:
– Mua vải về, dùng kéo cắt cuống vải cách phần núm khoảng 1cm. Rửa sạch với nước rồi vớt vải ra rổ, để thật ráo.
– Chia vải thành những phần vừa ăn rồi đóng túi nilon kín, cất ngăn mát (ngăn để rau củ) trong tủ lạnh. Vải sẽ không bị sâu, thối và giữ được lớp vỏ tươi và hương vị thơm ngon như lúc ban đầu.
Ngoài ra một số người có quê ở vùng Hải Dương mách mình cách này: cắt cuống vải rồi gói bằng 2 lớp báo dầy, bọc bên ngoài 1 lớp nilon kín, cất ngăn mát tủ lạnh cũng có thể bảo quản được khoảng 2 tháng. Tuy nhiên cách này vẫn có một số hạn chế là vải bị hấp hơi nên nhiều khi cũng có một vài quả bị hỏng.
Một cách bảo quản khác mà các cô bác lớn tuổi chia sẻ kinh nghiệm vì đã có nhiều năm tích trữ vải, và mình cho rằng khá hiệu quả. Đó là: bóc sạch vỏ rồi xếp các quả vải trong những hộp nhựa (nên dùng loại hộp nhựa có tên tuổi thương hiệu cho đảm bảo) rồi cất vải vào ngăn đá tủ lạnh. Khi ăn chỉ cần rã đông tự nhiên, chất lượng không thua kém quả vải tươi là bao.
Với cách bảo quản trong thời gian dài như trên, ngay cả khi mùa vải đã qua đi, nếu chợt nhớ đến hương vị thơm ngon của trái vải, mình không còn phải chờ đến mùa vải năm sau nữa mà có thể thưởng thức bất kì lúc nào mình muốn. Không những giúp bản thân và gia đình có vải ngon ăn quanh năm mà còn như một sự đóng góp nhỏ bé, chung tay ủng hộ người nông dân trồng vải vất vả chăm bón bao ngày nhưng mỗi khi được mùa lại gặp phải điệp khúc mất giá.