Mùa hè nóng bức, oi ả đang đến và đây cũng là giai đoạn cho các thức uống giải nhiệt lên ngôi.
Nhan nhản trên đường phố là các cửa hàng giải khát nước sâm, rễ tranh râu bắp, rau má, nha đam đường phèn. Chưa kể các xe đẩy len lỏi vào các con hẻm với sương sa, hạt é, mủ gòn, mủ trôm.
Lưu ý cách pha chế
Mủ trôm hay nhựa trôm là chất tiết được thu hoạch từ vỏ thân cây trôm, tên khoa học là Sterculia foetida, họ Sterculiaceae, tên thương mại thường được gọi là gum karaya. Mủ trôm nguyên chất có màu trắng trong hơi mờ, hình dạng thay đổi, sau khi thu hoạch người ta làm sạch, phân loại lớn nhỏ và bán với giá khác nhau. Hiện nay loại tốt nhất có thể hơn 500.000 đồng/kg.
Mủ trôm là hợp chất polysaccharide cao phân tử, khi thuỷ phân sẽ cho ra các đường D-galactose, L-rhamnose và axít D-galacturonic, một vài chất chuyển hoá acetylat và trimethylamin. Nhựa trôm chứa khoảng 37% uronic acid, nhiều khoáng tố như calcium và muối magnesium. Tuy nhiên hàm lượng mủ trôm trong cây thay đổi tuỳ mùa thu hoạch. Vào mùa hè, trôm có chất lượng và độ nhớt cao hơn. Khi bảo quản, nếu để trong môi trường nhiệt độ và độ ẩm cao mủ trôm sẽ giảm độ nhớt rất nhiều. Ngoài ra độ nhớt sẽ tăng khi trôm được nghiền với kích thước nhỏ hơn.
Mủ trôm không tan hoàn toàn trong nước nhưng nó sẽ hút nước trương nở phồng lên và tạo thành một dung dịch có độ nhớt cao. Nếu ở dạng hạt khi ngâm sẽ khó tan hoàn toàn, nhưng ở dạng bột mủ trôm sẽ trương nở và tan hoàn toàn để tạo thành một dung dịch keo đồng nhất. Khi dùng, tốt nhất nên ngâm trong nước lạnh với tỷ lệ thấp (0,5 – 2%), lúc này mủ trôm sẽ hút nước từ từ và trương nở thành dạng keo. Lưu ý, không ngâm mủ trôm với nước nóng. Thông thường nên ngâm trong khoảng từ 12 – 24 giờ để cho tan hoàn toàn rồi mới dùng (dạng bột thì 3 – 4 giờ), nếu không khi uống vào có thể gây… tắc ruột!
Cẩn thận với liều lượng
Nếu dùng mủ trôm, không nên đun nấu sôi vì nhiệt độ cao sẽ phá huỷ cấu trúc của các phần tử polysaccharide làm ảnh hưởng đến độ nhớt của trôm gây mất tác dụng, vì vậy mủ trôm nấu đường phèn không phải là thức uống có lợi.
Nhờ tính hút nước mạnh nên mủ trôm gây kích thích nhu động ruột nên phân được đẩy ra dễ dàng. Theo đông y, mủ trôm có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chỉ khát, nhuận tràng dùng điều trị chứng táo bón. Chất polysaccharide trong mủ trôm còn có tác dụng điều hoà đường huyết, ổn định huyết áp, mát gan, giải độc gan, giúp mau lành vết thương.
Ngoài công dụng giải khát, mủ trôm cũng được xem là vị thuốc, vì vậy khi dùng cần chú ý liều lượng. Không có chỉ dẫn cụ thể cho từng đối tượng mà tuỳ đặc điểm của người dùng như tuổi tác, tình trạng sức khoẻ, bệnh lý hoặc cơ địa. Sử dụng bừa bãi mủ trôm như các dạng thức uống khác rất nguy hiểm.
Nếu dùng để nhuận tràng, mỗi ngày chỉ nên dùng 0,5 – 1g bột ngâm trong 200ml nước lọc, nếu dạng thô thì chỉ lấy một thỏi bằng 1/2 lóng tay, rửa sạch rồi ngâm vào 200ml nước để từ tối đến sáng hôm sau mới dùng. Về điểm này, tôi có đọc trên báo thấy nhiều người hướng dẫn dùng từ 100 – 150g mủ trôm trong một ngày mà chỉ pha trong 300 – 500ml nước thì rất nguy hiểm, vì lượng nước quá ít không đủ để mủ trôm trương nở dễ gây tắc ruột và tử vong. Liều lượng 100 – 150g trong ngày là quá cao dễ bị ngộ độc.
Điều quan trọng là phải tìm mua loại mủ trôm có nguồn gốc rõ ràng, tránh mua nhầm các loại giả mạo có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. Hiện nay nhiều người còn đồn thổi mủ trôm giúp giảm cân, chống béo phì, đây là một quan niệm không đúng. Thực ra mủ trôm chỉ góp phần cải thiện mỡ trong máu, do uống nhiều nước làm tăng cảm giác no và điều tiết lượng đường trong máu ở người thừa cân, béo phì hoặc đái tháo đường.
5 trường hợp không dùng mủ trôm
1. Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
2. Người có khối u trong ruột.
3. Người đang uống thuốc chữa bệnh, vì mủ trôm có độ nhớt cao sẽ làm tăng nồng độ hấp thu của thuốc vào máu khi uống mủ trôm cùng lúc với một loại thuốc chữa bệnh nào đó. Sự tăng hấp thu này có thể gây ngộ độc thuốc. Để ngăn ngừa, tốt nhất nên uống mủ trôm ít nhất một giờ sau khi uống thuốc.
4. Người hư hàn, hay lạnh bụng không nên dùng nhiều.
5. Hiện nay có quảng cáo sử dụng mủ trôm ở dạng kem bôi da, người tiêu dùng nhất là phụ nữ cần cẩn thận vì mủ trôm không tinh khiết, có thể gây kích ứng da, ngứa ngáy và sưng tấy.