Friday, November 22, 2024
Trang chủThể dụcMôn thể thao mới - Đi bộ kết hợp với gậy

Môn thể thao mới – Đi bộ kết hợp với gậy

Môn thể thao đi bộ với gậy (Nordic walking) đậm chất châu Âu được hình thành từ các môn thể thao trượt tuyết băng và đi bộ đường dài. Đến 1990, sau thời gian thử nghiệm và được ưa chuộng, đi bộ với gậy mới được công nhận là môn thể thao chính thức và bắt đầu lan rộng ra các nước châu Á. Tuy nhiên, môn thể thao này vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam, bởi nhiều người cho rằng dụng cụ gậy chỉ dành cho môn đánh golf, leo núi hoặc cho những người tập vật lý trị liệu sau tai biến.

DiBo-KetHop-Gay

Khi đi bộ với gậy, việc chuyển động toàn thân có thêm chiếc gậy hỗ trợ chống đỡ làm cho người tập giữ thăng bằng, vì thế sẽ có xu hướng đi mạnh và số bước chân nhanh hơn. Ngoài ra, các động tác phối hợp với gậy khi di chuyển giúp luyện tập các cơ ngực, vai và tay. Mặt khác, đi bộ với gậy sẽ làm giảm thiểu áp lực cho các khuỷu chân, vừa giúp những người béo phì vận động toàn thân, vừa phù hợp với người già, giúp bước đi của họ được vững vàng, tránh các chấn thương có thể xảy ra do bị té ngã.

Cách đi cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần nhớ nguyên tắc là gậy bên tay phải chạm đất cũng là lúc gót chân trái vừa chạm đất và ngược lại. Sự hỗ trợ và phối hợp với cơ bắp tay, lồng ngực người tập có thể tăng vận tốc đi và tăng hiệu quả cho việc luyện tập. Để bắt đầu tập, cần thả lỏng vai, phần trên và hông, giữ cơ thể thoải mái. Giữ gậy sát cơ thể, bàn chân sát mặt đất và hướng thẳng về phía trước. Chân trái bước lên, gót chân chạm đất trước tiên. Gậy bên phải nhịp nhàng đưa lên cùng với chuyển động của chân trái và chạm đất cùng lúc với gót chân trái. Lưu ý, tay nắm gậy thả lỏng, đưa gậy về sau, tiếp tục chuyển động bên thân kia. Người tập phải thẳng lưng, tay chống gậy cũng căng ra để giúp tất cả các cơ bắp hoạt động mạnh mẽ và để không bị mỏi.

Theo tính toán, khi vận động đi bộ với gậy ở tốc độ cao thì khoảng 90% cơ thể vận động với hơn 600 cơ bắp chuyển động theo, điều này có khả năng tiêu thụ lượng mỡ thừa một cách hiệu quả hơn so với đi bộ bình thường từ 20-55%. Trong một giờ, người đi bộ với gậy tiêu thụ khoảng 400 calorie, đồng thời cải thiện sự cân bằng, khả năng phối hợp các bộ phận cơ thể và tính linh hoạt chung, giảm nguy cơ té ngã, có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh viêm xương, khớp, loãng xương. Bên cạnh đó, với cách đi này, hệ tim mạch sẽ hoạt động mạnh, tạo sức dẻo dai và tăng sức lực khắp cơ thể, ngoài ra, còn giảm sức ép lên vùng đầu gối và hông so với môn đi bộ hoặc chạy bộ.

Gậy chống cần phải có chiều dài thích hợp theo công thức sau: chiều cao cơ thể x 0,66 = chiều dài của gậy chống. Ví dụ, người cao khoảng 1,58m x 0,66 = 104,28cm. Như vậy, chiều dài gậy thích hợp là 105cm.

Nên chọn loại gậy làm từ chất liệu loại chắc và bền như nhôm, carbon… không nên chọn loại bằng gỗ nặng tay. Lưu ý: trọng lượng gậy vừa phải, không quá nặng để tránh những chấn thương vùng tay không mong muốn. Nếu gậy quá nhẹ thì tác động cho các vùng cơ ngực, vai, tay không hiệu quả.

Nên mang giày thể thao thích hợp (loại giày chuyên dành cho chạy bộ), có độ đệm và nhún nhẹ nhàng để giữ lòng bàn chân không bị tổn thương và bảo vệ gót chân trong lúc di chuyển.

Đánh giá bài viết
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT MỚI NHẤT