Trong quá trình mang thai, cơ thể có nhiều thay đổi nên dễ mắc các bệnh về răng miệng hơn. Bên cạnh đó, trong những tháng đầu tiên của quá trình mang thai, việc ăn vặt để chống lại cảm giác buồn nôn đi cùng với chăm sóc răng miệng không đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng và tiến triển bệnh nhanh hơn.
Bệnh răng miệng không được điều trị kịp thời là nguyên nhân làm mất răng, đặc biệt là gây những viêm nhiễm nặng lan rộng. Theo một số nghiên cứu trên thế giới, việc viêm nhiễm nặng có thể dẫn đến tình trạng sinh non.
Điều đầu tiên bạn cần làm là đến phòng khám nha khoa và thông báo cho bác sĩ biết bạn đang mang thai, những loại thuốc mà bạn đã uống hoặc trải qua điều trị trong quá trình mang thai. Đừng nghĩ rằng mang thai là phải tránh xa phòng khám nha khoa và chỉ đến đó khi bạn thực sự có vấn đề về sức khỏe răng miệng. Hãy khám răng định kỳ sáu tháng/lần.
Các loại điều trị như trám răng, cạo vôi răng có thể thực hiện khi mang thai. Đối với những điều trị có sử dụng X-quang, bác sĩ sẽ cân nhắc xem thực sự cần thiết hay không và hạn chế sử dụng tối đa. Tuy nhiên, trong trường hợp bắt buộc sử dụng X-quang, sẽ có biện pháp để bảo vệ và một phim X-quang thường quy sẽ không đủ liều lượng để gây hại đến cơ thể bạn.
Các thủ thuật nha khoa nếu cần thiết phải tiến hành thì thực hiện trong ba tháng giữa của thai kỳ. Tránh tối đa các can thiệp ở giai đoạn đầu của thai kỳ vì đây là giai đoạn phôi thai đang hình thành và ở ba tháng cuối, thai phụ sẽ rất khó khăn để ngồi lâu trên ghế làm răng và không an toàn để can thiệp.
Vì thế, việc điều trị nên trì hoãn đến sau sinh. Nếu phải sử dụng loại thuốc nào trong lĩnh vực nha khoa, bác sĩ sẽ cân nhắc và lựa chọn những loại được phép sử dụng trong thời kỳ mang thai.