Monday, November 18, 2024
Trang chủNhiếp ảnh10 lời khuyên giúp bạn nâng trình nhiếp ảnh

10 lời khuyên giúp bạn nâng trình nhiếp ảnh

Để chụp được những tấm ảnh đẹp thì ngoài niềm say mê nhiếp ảnh, người chụp còn cần phải có những kỹ năng và sự trải nghiệm khi bấm máy.

Xin chia sẻ với các bạn 10 lời khuyên để nâng cao trình độ nhiếp ảnh qua bài viết của tác giả gốc Việt Olivier Duong trên trang Digital Photography School:

1. Luôn có máy ảnh trong túi

meo-chup-anh_04.10.14_1

Đối với những người chụp ảnh không chuyên thì việc vác theo máy ảnh DSLR “lê la” khắp mọi nơi sẽ khiến họ cảm thấy ái ngại vì cồng kềnh và tương đối nặng. Càng đáng ngại hơn khi mang theo máy ảnh với dây đeo lòng thòng vào những nơi như cửa hàng tạp phẩm để mua đồ.

Tuy nhiên, đối với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thì máy ảnh là một vật gần như bất ly thân. Một cảnh đẹp hoặc một sự việc mang tính thời sự có thể diễn ra bất cứ lúc nào, đòi hỏi người chụp phải có máy trên tay để tác nghiệp. Chẳng hạn như bức ảnh dưới đây được chụp khi nhiếp ảnh gia đang trên đường… đi mua bánh sandwich.

meo-chup-anh_04.10.14_2

Nếu vác theo máy ảnh DSLR quá cồng kềnh thì người chụp nên trang bị cho mình một chiếc máy ảnh du lịch hoặc thậm chí là một chiếc smartphone có tích hợp camera để có thể bỏ túi mang đi khắp mọi nơi. Oliver Dương, một nhiếp ảnh gia người Pháp gốc Việt chia sẻ rằng, việc luôn có máy ảnh trong túi khiến anh không bao giờ nghĩ đến thuật ngữ “bấm máy” mà chỉ nghĩ đến việc “ghi lại cuộc sống”. Đây là một tấm ảnh được nhiếp ảnh gia gốc Việt chụp trong bệnh viện khi thấy một phụ nữ đang chuẩn bị khám thai.

meo-chup-anh_04.10.14_3

Lời khuyên: Ảnh không phải lúc nào cũng chờ bạn. Hãy sử dụng một chiếc máy bỏ túi những lúc không thể mang DSLR đi theo.

2. Cảnh nền quan trọng không kém đối tượng

Khi chụp một tấm ảnh, người ta thường hướng sự tập trung vào đối tượng được chụp. Nhưng đối tượng rất hiếm khi đứng một mình mà thường phải có cảnh nền để “phối hợp”. Khi nhìn qua kính ngắm và hướng máy ảnh về phía đối tượng, điều đầu tiên bạn cần làm là… đừng vội bấm máy. Hãy xem xét cảnh nền trước đã.

Cảnh nền sẽ tác động tới đối tượng theo hai cách: hoặc nó làm tôn đối tượng lên, hoặc nó khiến cho đối tượng bị nhạt nhòa. Đây chính là yếu tố nhiếp ảnh gia phải chú ý.

meo-chup-anh_04.10.14_4

Trong hình minh họa ở trên, ông lão đang rất vui vẻ sau khi tán dóc với người ngồi cạnh. Nhiếp ảnh gia chụp tấm ảnh này cho biết ban đầu anh ta không định cho vào khuôn hình người đàn ông ngồi ở xa. Nhưng sau khi người đàn ông đó nghiêng người ra phía sau và nhìn vào ông lão, nhiếp ảnh gia đã ngay lập tức bấm máy. Chính người đàn ông ngồi bên cửa sổ với ánh mắt hướng vào đối tượng đã giúp cho đối tượng trong ảnh được nổi bật.

meo-chup-anh_04.10.14_5

Lời khuyên: Hãy chú ý đến cảnh nền, cũng như mọi màu sắc, đường nét. Bạn phải phán đoán được cảnh nền sẽ ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến đối tượng.

3. Ánh sáng là tất cả

Nếu như con người giao tiếp với nhau bằng giọng nói thì nhà nhiếp ảnh giao tiếp với tấm ảnh thông qua ánh sáng. Vì thế, nếu bạn muốn trở thành một nhà nhiếp ảnh giỏi thì bạn cần phải “điều khiển” được ánh sáng trong tấm hình.

Bạn hãy quan sát ánh sáng tác động vào đối tượng như thế nào. Chẳng hạn như gương mặt của một người bừng sáng khi xem tivi, hoặc một phong cảnh chụp vào lúc chạng vạng. Kỹ năng chụp ảnh của bạn sẽ tiến triển dần nếu bạn biết cách tập trung chú ý vào ánh sáng. Trong tấm ảnh minh họa ở dưới, tác giả đã nhận ra bầu trời lúc đó có mây mù nhưng lại rất lý tưởng để cho ra đời một tấm ảnh đẹp, bởi vì ánh sáng lúc đó dịu nhẹ và các đám mây phản chiếu ánh sáng rất ấn tượng.

meo-chup-anh_04.10.14_6

Lời khuyên: Hãy chú ý đến ánh sáng, chất lượng ánh sáng, những khoảng tối mà nó tạo ra, các hình dạng mà nó đem lại.

4. Coi công việc của bạn như rượu vang

Có thể từ trước đến nay bạn vẫn chưa hài lòng với những tấm ảnh mình chụp. Bạn nghĩ rằng tác phẩm xuất sắc nhất của mình sẽ được thực hiện… trong tương lai. Tuy nhiên, một lúc nào đấy bạn sẽ thấy tấm ảnh mình chụp trong quá khứ trở nên có giá trị. Trên thực tế, có rất nhiều người có những tấm ảnh giá trị mà họ không biết. Cho đến một ngày họ nhận ra giá trị của tấm ảnh khi con mắt nghệ thuật của họ trở nên lành nghề hơn.

meo-chup-anh_04.10.14_7

Tấm hình minh họa ở trên được tác giả người Pháp gốc Việt Olivier Duong chụp cách đây đã 10 năm. Lúc đó anh mới cầm máy đi chụp và không nghĩ rằng sau này mình sẽ trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Những tấm ảnh anh chụp 10 năm trước đã bị lãng quên trong một thời gian dài. Cho đến một ngày khi xem lại những bức ảnh thời mới chập chững vào nghề, anh mới nhận ra một vài tấm ảnh rất có giá trị.

Lời khuyên: Ảnh cũng giống như rượu vang, càng để lâu càng ngon. Nhưng bạn sẽ phải đào bới để tìm lại chúng.

5. Chụp bằng trái tim

Đa phần những người cầm máy đều biết cách đặt khẩu độ, thiết lập ISO, biết cách làm chủ ánh sáng. Nhưng khi nhìn vào tấm ảnh của họ, bạn sẽ thấy chúng thiêu thiếu một cái gì đó. Chính là yếu tố “trái tim”! Họ đã không có được cảm xúc mãnh liệt khi chụp những tấm ảnh đó.

Nghệ thuật nhiếp ảnh không phải là ghi lại những gì đang diễn ra trên thế giới, mà đó là ghi lại cảm xúc ở trong tim người chụp. Người chụp phải thể hiện được cái tôi của mình trong tấm ảnh.

Hình minh họa ở dưới được chụp lúc tác giả đang cảm thấy rất thất vọng

meo-chup-anh_04.10.14_8

Còn tấm hình này thì đã có sự lạc quan hơn

meo-chup-anh_04.10.14_9

Tấm hình này tác giả đã cho chúng ta cảm nhận được tinh thần gia đình

meo-chup-anh_04.10.14_10

Lời khuyên: Bấm máy theo cảm xúc của bạn, bức ảnh sẽ sống động hơn

6. Đặt câu hỏi “Tại sao?”

Không phải ai đến với nhiếp ảnh cũng có chung mục đích. Có người muốn làm giàu, có người đến với nhiếp ảnh chỉ vì yêu thích, có người muốn nổi tiếng và có người chụp ảnh chỉ để ghi lại quá trình lớn lên của con trẻ.

Nếu bạn định trở thành một nhà nhiếp ảnh, hãy đặt câu hỏi “Tại sao?” Trả lời được câu hỏi này con đường của bạn sẽ trở nên rõ ràng. Câu hỏi “Tại sao?” cũng giống như bạn đặt một chiếc kính lúp trước nguồn sáng, nó sẽ giúp bạn tập trung và tìm được thứ mình cần rõ ràng hơn.

Trong tấm hình ở dưới, tác giả cho biết khi nhìn thấy người đàn ông này, anh đã hình dung người đàn ông giống như một vị anh hùng đang sẵn sàng cứu rỗi thế giới. Nhưng trên thực tế, đây chỉ là một người đàn ông đang trên đường ra bãi biển. Tác giả tấm ảnh cho biết lý do anh đến với nhiếp ảnh là để được hòa mình vào thế giới và được tưởng tượng.

meo-chup-anh_04.10.14_11

Lời khuyên: Tại sao bạn lại đến với nhiếp ảnh? Nhiếp ảnh có thực lôi cuốn bạn? Hãy lựa chọn con đường bạn đi từ việc trả lời câu hỏi nói trên.

7. Bạn ít bị phụ thuộc vào thiết bị hơn bạn nghĩ

Đối với một nhiếp ảnh gia, thiết bị không phải là yếu tố quá quan trọng để có được một bức ảnh đẹp. Điều cốt yếu là óc thẩm mỹ và sự sáng tạo của người chụp. Gần như tất cả các tấm ảnh mình họa ở trên được chụp bằng máy ảnh bỏ túi. Thậm chí có những tấm ảnh tác giả đã chụp bằng điện thoại.

meo-chup-anh_04.10.14_12

Nhiếp ảnh cũng giống như trò chơi xếp hình. Mặc dù bị giới hạn bởi các miếng ghép nhưng với sự sáng tạo người ta có thể tạo ra một tác phẩm đẹp đẽ. Một hình ảnh so sánh khác: nếu con người đã có sẵn đôi cánh thì sẽ chẳng bao giờ phát minh ra máy bay.

Lời khuyên: Dù bạn sở hữu loại máy ảnh gì, thì hãy sử dụng nó một cách sáng tạo. Nếu bạn được “trang bị đến tận răng”, bạn sẽ không thể nghĩ được điều gì.

8. Đừng đòi hỏi sự hoàn hảo trong kỹ thuật

Có thể khi học về nhiếp ảnh bạn được dạy làm cách nào để có độ phơi sáng chuẩn xác, làm cách nào để lấy nét, để có độ sâu của trường ảnh v.v… Tuy nhiên, bạn có biết rằng những tấm ảnh mang tính biểu tượng nhất thế giới lại được chụp với kỹ thuật không hoàn hảo. Chẳng hạn như tấm ảnh quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy năm 1944 được chụp bởi nhiếp ảnh gia Robert Capa có những hình ảnh rất mờ, hay như tấm ảnh Alberto Korda chụp Che Guevara trên một nền trời màu trắng.

meo-chup-anh_04.10.14_13

meo-chup-anh_04.10.14_14

Đôi khi chất lượng nghệ thuật của một tấm ảnh lại khỏa lấp sự không hoàn hảo trong kỹ thuật chụp, cho nên đừng quá cầu kỳ khắt khe với kỹ thuật. Người Nhật có một khái niệm là “Wabi sabi” có nghĩa là “Vẻ đẹp nằm trong sự không hoàn hảo”.

Lời khuyên: Đừng quá quan tâm đến sự hoàn hảo trong kỹ thuật, hãy tập trung vào cảm xúc.

9. Hãy nghĩ đến việc tạo ra tấm ảnh, chứ không phải là chụp ảnh đơn thuần

Nếu bạn muốn trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, bạn cần phải thực hiện một bước chuyển đổi từ “Chụp ảnh” sang “Tạo ra tác phẩm nhiếp ảnh”. Khi đưa máy ảnh lên để chụp, bạn cần trả lời câu hỏi: “Bạn sẽ tạo ra một tấm ảnh là bản sao của những gì diễn ra trước ống kính?” hay là “Những gì ở trước ống kính là điểm khởi đầu để giao tiếp với tâm hồn bạn?”.

“Chụp ảnh” là thuật ngữ dành cho những người sở hữu máy ảnh. Còn các nhiếp ảnh gia, họ sẽ “tạo ra tấm ảnh”.

meo-chup-anh_04.10.14_15

Tấm ảnh trên được nhiếp ảnh gia Olivier Duong thực hiện khi đang ngồi trong quán cafe. Anh chợt nhìn thấy tà váy này bay phấp phới trước mặt. Trong 1 giây, Olivier đã tưởng tượng mình đang ở trên thiên đường và ngắm nhìn một thiên thần trước mặt. Tấm ảnh này đã cho thấy những rung động của Olivier chứ không phải là tấm ảnh chụp một tà váy.

Lời khuyên: hãy nghĩ như một họa sỹ. Hãy tạo ra thứ gì đó thay vì ghi lại nó.

10. Làm cho tấm ảnh của bạn đọng lại trong tâm trí người xem

Bạn đã bao giờ xem một clip tuyên truyền về an toàn giao thông trên truyền hình? Trong clip một chiếc ô tô rất đẹp xuất hiện cùng với nét mặt tươi vui của những người ngồi trong xe. Chiếc xe lăn bánh trên những con phố nên thơ với hai hàng cây xanh mát. Người xem sẽ có cảm nghĩ “ôi cuộc sống thật là tươi đẹp”. Nhưng rồi đùng một cái chiếc xe gặp tai nạn. Clip này gây ấn tượng mạnh với người xem bởi các nhà làm phim đã dành nhiều thời gian để tạo dựng nên một hình mẫu tươi đẹp rồi phá bỏ nó.

Trong nhiếp ảnh bạn cũng có thể làm giống như vậy, tức là tạo ra một sự phá cách trong tấm ảnh để gây ấn tượng mạnh với người xem. Chẳng hạn như ở tấm hình chụp các cây cọ dưới đây. Cây cọ thì không xa lạ gì với mọi người. Để tạo ấn tượng, tác giả của bức ảnh đã không chụp cây cọ từ ngọn đến gốc mà lợi dụng bóng đổ của cây cọ phía sau lưng che đi phần gốc 3 cây cọ ở phía trước ống kính. Thay vì cho mọi người xem gốc cây thì tác giả đã thay thế bằng bóng cây. Bố cục của tấm ảnh nhìn đơn giản mà rất ấn tượng.

meo-chup-anh_04.10.14_16

Lời khuyên: Đoán trước người xem trông đợi gì ở bức ảnh, rồi phá cách.

Theo Digital Photography School

Đánh giá bài viết
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT MỚI NHẤT