Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không vô cớ đã nhiều lần lên tiếng báo động về mối đe dọa của bệnh tiểu đường ở các nước trong vùng Đông Nam Á như căn bệnh đáng ngại nhất trong thập niên trước mắt.
Gia tăng số bệnh nhân
Tình hình mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam đã và đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng ở hầu khắp mọi miền, đặc biệt là tại các thành phố lớn.
Hiện nay số người bị bệnh tiểu đường gia tăng với vận tốc vượt xa bệnh tim mạch, ung thư ở các nước tiên tiến, thậm chí hơn xa bệnh bội nhiễm ở các nước đang phát triển. Số đối tượng mắc bệnh tiểu đường cao hơn số người được phát hiện, tối thiểu gấp đôi.
Số nạn nhân do biến chứng của bệnh tiểu đường trên tim mạch, não, mắt, thận, ngoài da… đặc biệt là số bệnh nhân phải tháo bỏ chi do thuyên tắc mạch máu ngoại biên, vẫn còn quá cao ngay cả ở các quốc gia đã có chương trình phòng chống bệnh tiểu đường từ cả chục năm. Số trường hợp tử vong do bệnh tim mạch, ung thư vẫn tiếp tục ở mức độ đáng ngại do bàn tay phá hoại ngấm ngầm của bệnh tiểu đường.
Nếu tưởng nguyên nhân chỉ vì ăn quá ngọt thì sai. Bệnh tiểu đường sở dĩ phát tán với vận tốc quá nhanh ở vùng Đông Á là vì bệnh gắn liền với cuộc sống tẩm đầy stress. Nếu đường huyết tăng vì ăn quá ngọt, vì thừa đầu vào thì dễ hiểu.
Đằng này lượng đường trong máu thăng thiên vì tác hại của nội tiết tố sản sinh trong cuộc sống quá căng thẳng vì áp lực của thời gian, vì đêm ngủ quá ít, vì lạm dụng dược phẩm có phản ứng là tăng đường huyết như thuốc giảm đau, an thần, kháng viêm … Hậu quả nghịch lý là gia chủ tuy không ăn ngọt nhưng vẫn chịu!
Không muốn biết về bệnh
Dù biết bệnh nặng nhưng số người sẵn sàng tham gia chương trình tầm soát bệnh tiểu đường vẫn còn quá ít, cụ thể như ở nước mình. Bệnh tiểu đường sở dĩ vẫn chiếm thế thượng phong dù không thiếu thuốc đặc hiệu, cho dù chẩn đoán rất đơn giản, chỉ vì nhiều người không dành được nửa phút để phát hiện bệnh, cho dù chi phí xét nghiệm đường huyết thấp hơn giá một tô phở!
Đó cũng là lý do tại sao tình trạng mệt mỏi kinh niên rõ ràng cũng tỷ lệ thuận với bệnh tiểu đường, theo như thống kê đã được thực hiện ở nhiều quốc gia phương Tây. Ở nước mình không thể khá hơn.
Có một điều mới nghe tưởng như khó hiểu. Đó là các quốc gia có nền y tế tiên tiến như Hoa Kỳ, Đức, Nhật… đều có nhiều tạp chí chuyên đề về bệnh tiểu đường. Độc giả đâu mà lắm thế?! Ấy vậy mà báo vẫn sống nhờ đóng góp của hội viên các câu lạc bộ bệnh tiểu đường và tài trợ của hãng bảo hiểm không muốn hết vốn vì chi phí thất thoát cho hậu quả của căn bệnh này. Báo vì thế được biếu không. Ở nước mình nếu được như thế thì báo vẫn ế vì nhiều người dường như không muốn biết về bệnh tiểu đường, cứ như không biết thì chưa mắc bệnh! Đó chính là lý do khiến bệnh tiểu đường mang thương hiệu “cơn đại dịch” của thế kỷ.
Đường huyết quá cao trong máu là đòn bẩy khiến thiếu dưỡng khí bên trong tế bào. Nếu đơn vị của sự sống không khỏe thì sức kháng bệnh sớm muộn cũng hao mòn. Tế bào một khi thiếu dưỡng khí tất nhiên phải rối loạn chức năng, phải biến đổi cấu trúc, phải già trước tuổi.
Xơ vữa mạch máu, lão hóa tế bào thần kinh, ung bướu ác tính chỉ chờ có bấy nhiêu. Không có gì khó hiểu nếu hội chứng “hết pin” trong giờ cao điểm, nếu hội chứng trên bảo dưới không nghe, nếu tình trạng trầm uất dù vô cớ, nếu bệnh tim mạch, thậm chí ung thư càng lúc càng tìm được nhiều “khách hàng thân thiết” ở xứ mình khi các căn bệnh này bao giờ cũng đồng hành với tình trạng đường huyết bắt chước vật giá xăng dầu điện nước, hễ lên dễ gì chịu xuống.
Ở nước mình nhiều người dường như không muốn biết về bệnh tiểu đường, cứ như không biết thì chưa mắc bệnh! Đó chính là lý do khiến bệnh tiểu đường mang thương hiệu “cơn đại dịch” của thế kỷ.