“Dây ba mươi” còn có tên là ”dây đẹt ác”, đồng bào Mông gọi là ”pê chầu chàng”, bà con người Tày gọi là ”sam sip lạc”, người Thái gọi là ”bản sam sít”, người Dao thì gọi tên ”mùi sấy dòi”, đồng bào Bahnar đặt tên là cây ”hơ linh”.
Tên khoa học là Stemona tuberosa lour; Thuộc họ bách bộ (Stemonaceae).
Vị thuốc ”bách bộ” trong Đông y là rễ phơi hay sấy khô (Radix stemonae) của dây ba mươi.
Dây ba mươi là một loài cây leo, thân nhỏ nhẵn. Lá thường mọc đối, hình trái tim, trên mặt lá ngoài gân chính còn có những gân phụ chạy dọc từ cuống lá đến đầu lá và có những gân ngang nhỏ và rõ. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, màu vàng đỏ. Quả nang có 4 hạt. Rễ củ gồm 10-20 hoặc 30 củ, có khi tới 100 củ dài 15-20cm, đường kính 1,5 – 2cm, màu trắng vàng.
Bách bộ là vị thuốc chữa ho và sát trùng, đã được sử dụng từ rất lâu đời trong Đông y và dân gian. Theo Đông y, bách bộ có vị đắng ngọt, tính hơi ấm, vào kinh phế. Có tác dụng ôn nhuận phế khí, chỉ khái và sát trùng. Dùng chữa chứng ho do phong hàn, ho gà, ho lao, người già hen suyễn, giun đũa, giun kim và lên mề đay.
Kết qủa nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, những kinh nghiệm dân gian nói trên là có cơ sở. Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng bách bộ để chữa một số bệnh thường gặp như sau:
– Chữa ho do cảm lạnh: Bách bộ 12g, kinh giới 8g, cát cánh 8g, cam thảo 6g, gừng tươi 6g; sắc nước uống trong ngày.
– Ho lâu ngày: Dùng bách bộ, ý dĩ, bách hợp, mạch môn đông – mỗi thứ 12g; tang bạch bì, bạch phục linh, sa sâm, địa cốt bì – mỗi thứ 6g, sắc nước uống. Có tác dụng chữa các triệu chứng: ho dai dẳng lâu ngày không khỏi, khiến cơ thể suy mòn, suy hô hấp, buổi chiều phát sốt, mũi tắc, gáy cứng đơ, nằm nghiêng bên trái đỡ ho, nghiêng sang phải thì ho rũ rượi.
– Chữa ho gà:
Bài thuốc (1): Dùng bách bộ 250g, sắc kỹ lấy nước cốt, thêm lượng đường thích hợp chế thành 800ml xi-rô bách bộ. Ngày uống 3 lần, trẻ nhỏ trên 2 tuổi mỗi lần uống 10-15ml, dưới 2 tuổi mỗi lần uống 2-5ml, liên tục trong 10 ngày.
Bài thuốc (2): Dùng bách bộ 50g, hạnh nhân 20g, cát cánh 20g, thêm nước 700ml, sắc lấy 350ml, thêm 60g đường trắng vào hoà đều. Ngày uống 3 lần, trẻ dưới 1 tuổi mỗi lần uống 2-4ml, từ 1-3 tuổi mỗi lần uống 4-6ml, từ 3-6 tuổi mỗi lần uống7-9ml, từ 7-9 tuổi mỗi lần uống 10-13ml, trên 10 tuổi mỗi lần uống 15ml; khi uống hòa thêm chút nước ấm; liên tục trong 6 ngày.
– Chữa viêm họng mãn tính: Dùng bách bộ 12g, sắc với nước, thêm chút đường hoặc mật ong vào, chia 3-4 lần uống trong ngày.
– Chữa viêm khí quản mãn tính: Dùng bách bộ 20g, sắc hai lần, hợp hai nước cô đặc lại còn 60ml, chia 3 phần uống trong ngày.