Màu sắc có ảnh hưởng sâu sắc đến cảm xúc và tinh thần của con người. Mỗi màu sắc trong 7 dãy sắc màu của ánh sáng trắng có ảnh hưởng khác nhau lên não bộ và tác động đến sức khỏe của con người.
Ngay từ xa xưa, người ta đã nghiên cứu màu sắc để áp dụng chữa trị một số bệnh. Và ngay trong y học cổ truyền cũng có các nguyên lý pha trộn toa thuốc chữa bệnh liên quan đến màu sắc.
Màu đỏ và cam thể hiện sức mạnh và tham vọng. Màu đỏ còn thể hiện sự căng thẳng, tức giận. Màu này kích thích thần kinh và sẽ gây nhiều tác động lên cơ thể: tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng cường hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Dùng màu đỏ, cam trong trang trí nội thất sẽ đem lại cảm giác ấm áp, hưng phấn, giúp người bị cảm lạnh, trầm cảm lấy lại cân bằng.
Màu vàng đặc trưng cho hạnh phúc, biểu thị cho trí tuệ, thúc đẩy tư duy, xây dựng lòng tự tin và lạc quan. Màu này giúp điều trị các chứng bệnh liên quan đến sự buồn phiền, rối loạn của não bộ. Phòng màu vàng giúp bệnh nhân giảm được đau đớn, kích thích các tuyến ngoại tiết, đồng thời dễ gây buồn nôn. Không nên dùng màu vàng cho các phương tiện giao thông.
Màu lục hay màu xanh lá là biểu hiện của thiên nhiên có thể giúp con người cảm thông với nhau và gần gũi với thiên nhiên. Màu này tạo cảm giác dễ chịu và thoải mái. Các nghiên cứu cho thấy màu xanh lá kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể, tăng cường phòng chống bệnh tật, giúp thư giãn thần kinh, làm dịu mắt, tốt cho người bệnh tim mạch.
Màu lam hay màu xanh dương chính là màu của biển cả, làm con người cảm thấy an bình và quên đi sức ép của cuộc sống. Màu xanh dương được ứng dụng trong chữa trị chứng mất ngủ và một số rối loạn hành vi của trẻ nhỏ. Y học cổ truyền còn áp dụng màu này để chữa chứng đau nửa đầu, chống trầm cảm.