Trong lúc tìm thức ăn giải quyết cơn đói, người xưa dần dần phát hiện khả năng chữa bệnh của nhiều loại cây cỏ. Chẳng hạn, rau đay không chỉ ngon miệng mà còn giúp trị táo bón, ho, thiếu sữa…
Theo lương y Trần Khiết (TP HCM), các loại rau quả sau không chỉ bổ dưỡng mà còn chữa bệnh:
Rau ngót (bù ngót)
Bổ dưỡng: Nấu canh cùng với giò heo hoặc thịt nạc tán nhuyễn.
Chữa sót nhau: Dùng một nắm lá rau bù ngót rửa sạch, đâm nhuyễn và cho vào một ít nước (nước đun sôi để nguội), vắt lấy chừng 100 ml. Chia làm 2 phần để uống hai lần (mỗi lần cách nhau 10 phút); sau chừng 15-30 phút, nhau sẽ ra hết và sản phụ hết đau bụng. Để chữa sót nhau, có người còn dùng rau bù ngót giã nhuyễn rồi đắp vào gan bàn chân.
Trị tưa lưỡi: Dùng độ 10 g lá rau bù ngót, rửa sạch, giã nhỏ rồi cho vào một ít nước, vắt lấy nước rồi dùng bông gòn hay vải mỏng để rơ nước này lên lưỡi, lợi, miệng của trẻ.
Trị hóc xương: Dùng cả cây và lá bù ngót tươi giã nhỏ, vắt lấy nước cốt để ngậm nút từ từ sẽ khỏi (lưu ý chỉ dùng cho những trường hợp bị hóc xương nhỏ).
Rau mồng tơi
Giải nhiệt, lợi tiểu, nhuận trường: Dùng rau mồng tơi nấu canh hoặc luộc để ăn.
Trẻ em bị táo bón, phụ nữ đẻ khó, mắt nóng đỏ: Dùng lá mồng tơi ép lấy nước uống hoặc đắp lên mắt (người dân Indonesia thường dùng cách này).
Vú bị sưng đỏ, nóng: Giã nhuyễn lá mồng tơi lấy nước để uống, còn xác thì đắp lên vú.
Trị rôm sảy: Dùng hạt mồng tơi khô tán thành bột mịn, rồi thoa ngoài da chỗ bị rôm sảy sẽ khỏi.
Tía tô (tô điệp)
Giải cảm: Dùng 50 g gạo trắng nấu thành cháo loãng. Khi cháo chín cho gia vị muối, tiêu, hành lượng vừa đủ và 10 lá tía tô tươi vào khuấy đều để ăn lúc cháo còn nóng
Rau đay
Trị chứng táo bón, ho, suy nhược: Lấy lá rau đay non nấu canh để ăn.
Trị tắc sữa, ít sữa không đủ cho con bú: Ăn rau đay thường ngày từ 150 đến 250 gam.
Trị táo bón và lỵ: Rau đay có chất nhầy nên có tác dụng nhuận trường, nấu canh ăn khoảng 1 tuần sẽ khỏi.
Ngoài ra, hạt rau đay còn được dùng làm thuốc lợi tiểu, thông đại tiện và tháo nước trong bệnh phù chướng.
Rau ngổ
Trị nhiễm độc thức ăn, dị ứng thức ăn tanh, lạnh: Dùng ngổ tươi từ 40 đến 80 gam rửa sạch, ăn sống.
Trị rắn cắn: Dùng cả thân và lá ngổ tươi (từ 40 đến 80 gam) sắc uống hoặc nhai nhuyễn, uống nước, còn xác thì đắp lên chỗ vết cắn.
Trị lở ngứa, sần da: Lấy lá và ngọn ngổ tươi giã nát rồi đắp lên chỗ ngứa sẽ khỏi.
Rau mùi (ngò rí)
Ngò rí có hai loại, loại thân màu xanh và loại thân màu tím. Thông thường dân gian hay dùng ngò rí để làm gia vị, kích thích tiêu hóa.
Hạt ngò thường được dùng để trị các chứng đầy hơi, chướng bụng, ăn không tiêu, bằng cách: Dùng 20-30 hạt giã ra rồi đem hãm nước sôi chừng 15 phút (để tiết ra tinh dầu), có thể thêm 3 lát gừng tươi giã chung để uống.
Rau húng chanh (rau tần dày lá)
Rau húng chanh dùng trị bệnh ho cảm, do thời tiết, nhất là ho vào mùa lạnh, bằng cách: Mỗi lần dùng 7-10 lá, đem rửa sạch, chấm muối nhai nuốt sống hoặc giã nát lấy nước để uống. Ngoài ra, húng chanh còn được dùng kết hợp với lá sả, lá khuynh diệp, lá ổi, lá hương nhu, lá gừng… nấu nước để xông giải cảm, trị ho cũng rất hay.