Lá chua me đất nhai với muối trị bệnh viêm họng. Bã lá giã nhỏ đắp vào vết mụn nhọt. Chua me đất có tên khác là chua me ba chìa, tạc tương thảo, toan tương thảo.
Có hai loại chua me đất. Loại hoa vàng (Oxalis corniculata), có ba lá chét nhỏ và loại hoa hồng có lá chét to hơn.
Chua me đất có vị chua, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, giảm ho, lợi tiểu (loại hoa vàng được dùng phổ biến hơn):
– Chữa đại tiểu tiện không thông: Chua me đất, mã đề (mỗi thứ 30g) dùng tươi, giã nát, vắt lấy nước cốt, thêm đường uống (Nam dược thần hiệu).
– Chữa ho: Chua me đất hoa vàng (20g), măng tre mới nhú (20g), rễ dâu (chỉ lấy phần vỏ trắng ở trong, 10g, tẩm mật sao vàng), gừng (8g). Giã nát, thêm ít đường hoặc mật ong, hấp cơm, uống.
Có thể dùng riêng lá chua me đất hoa vàng, rửa sạch, nhai với muối, nuốt nước dần dần để chữa viêm họng. Dùng ngoài, lá giã nhỏ hơ nóng, đắp chữa sưng tấy, mụn nhọt.
Trong thân và lá chua me đất có acid oxalic và nhất là oxalat kali với hàm lượng cao, nên cây có vị chua. Về mùa hè, nhiều người hay hái lá chua me đất để luộc ăn cùng với rau muống thay cho chanh, sấu hay lá me. Nước rau luộc có vị chua, mùi thơm mát. Thỉnh thoảng ăn một vài bữa thì không sao, nhưng dùng luôn hàng ngày, có thể tạo ra sỏi oxalat trong bàng quang mà sinh bệnh sỏi. Những người đã bị bệnh này càng không nên dùng lá chua me đất vì oxalat có thể làm tăng lượng sỏi.
Hơn nữa, cũng không nên dùng lá chua me đất với liều quá cao vì muối oxalat độc ở liều 20 – 30g.