Chưa có bằng chứng cho thấy axit folic cải thiện khả năng có thai, nhưng theo các nhà khoa học, nó có thể làm tăng xác suất sinh đôi nếu hai phôi được đưa vào tử cung trong quá trình điều trị vô sinh.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Rowett và Đại học Aberdeen ở Scotland đã tìm thấy phụ nữ có hàm lượng axit folic cao có nhiều khả năng sinh đôi hơn khi thụ tinh trong ống nghiệm.
“Về cơ bản axit folic làm tăng khả năng sống sót của phôi, và đó là những gì chúng tôi nghĩ đã xảy ra trong trường hợp này”, tiến sĩ Paul Haggarty, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Axit folic (vitamin B9) là một trong những vi chất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của bào thai, nhất là hệ thần kinh. Tình trạng thiếu chất này có thể gây khiếm khuyết ống thần kinh mà biểu hiện là nứt đốt sống, vô sọ, thoát vị não… và làm tăng nguy cơ dị tật ở tim, chi, đường tiểu, sứt môi, hở hàm ếch… Vì vậy, phụ nữ có thai được khuyên bổ sung axit folic.
Haggarty và cộng sự đã phân tích lượng axit folic trên 602 bà mẹ đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Hầu như tất cả họ đều bổ sung thêm axit folic trong khẩu phần. Những người này điền vào bảng câu hỏi, đồng thời được đo lượng folate hấp thu từ bữa ăn và hàm lượng trong máu.
Để tăng cơ hội có mang, thường mỗi đợt thụ tinh trong ống nghiệm, người phụ nữ sẽ được cấy hai phôi.
Nhóm nghiên cứu tìm thấy khả năng sinh đôi tăng tỷ lệ thuận với hàm lượng folate tiêu thụ.
Haggarty cho biết phát hiện này tương hợp với sự gia tăng số ca sinh đôi ở những người điều trị bằng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm tại Mỹ sau khi bột mỳ được bổ sung axit folic vào năm 1988.
“Kết quả của chúng tôi cho thấy có thể giảm tỷ lệ song sinh cao trong kỹ thuật điều trị vô sinh bằng cách khuyến khích phụ nữ không nên dùng quá hàm lượng axit folic được đề nghị”, Haggarty nói.