Monday, November 18, 2024
Trang chủSức khỏe5 dấu hiệu bất ngờ chứng tỏ bạn đang mắc bệnh tâm...

5 dấu hiệu bất ngờ chứng tỏ bạn đang mắc bệnh tâm thần

Nhiều người ngộ nhận tâm thần phải là những người mất hết ý thức, hành động điên khùng, trên thực tế, bệnh có thể bắt đầu từ biểu hiện rất đơn giản và thường gặp.

tram-cam-18-7Theo PGS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, nhiều người vẫn tưởng rằng tâm thần có nghĩa là điên dại. Thực ra, đây là một loại rối loạn chức năng hoạt động của não với nhiều biểu hiện và mức độ khác nhau.

PGS Đức cho biết dấu hiệu ban đầu của bệnh tâm thần rất đa dạng, bệnh nhân thường đi khám nhiều nơi mà không xác định được nguyên nhân, song ít người nghĩ đến căn nguyên tâm thần.

Việc phát hiện bệnh không dễ dàng đối với người nhà và ngay cả với bác sĩ do cần phải tiếp xúc lâu với bệnh nhân cũng như thăm khám nhiều lần. Vị chuyên gia khuyến cáo hãy nghĩ đến bệnh lý tâm thần và đưa người thân đến bác sĩ ngay nếu thấy các biểu hiện bất thường như rối loạn hành vi, tác phong và xúc cảm, thay đổi khác lạ trong cách ăn nói, rối loạn giấc ngủ. Dưới đây là một số biểu hiện tâm thần khiến chúng ta bất ngờ:

1. Nói nhiều, quá khích

Đang điều trị tại khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, chị H. (giáo viên cấp 2, ở Hà Tĩnh) cho biết tranh thủ kỳ nghỉ hè, chị đến đây để trị bệnh. Cách đây 2 năm, chị có biểu hiện nói nhiều, không ngừng nghỉ, thích can thiệp vào chuyện của người khác quá mức gây phiền hà cho những người xung quanh. Chị cho biết, mặc dù ý thức được tình trạng của mình song không thể ngăn bản thân hành động như vậy.

Bác sĩ Cao Tiến Đức cho biết, đây là một biểu hiện của chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực, bệnh nhân này thiên về cực hưng cảm.

Ở cực này, người bệnh luôn có biểu hiện hân hoan, vui vẻ, sung sướng cao độ không có lý do cụ thể. Một số người còn tự cao tự đại quá mức, tăng hoạt động yêu thích, sẵn sàng can thiệp vào chuyện người khác, nói nhiều, nói nhanh, nói suốt ngày đêm. Khi hưng cảm, người bệnh ngủ rất ít nhưng không mệt mỏi. Trạng thái này thường diễn ra trong 4-5 tháng rồi tự khỏi nhưng lại tái diễn suốt đời, buộc người bệnh phải duy trì uống thuốc liên tục.

Khi diễn biến nặng, bệnh nhân có thể gặp hội chứng lên đồng (tự cho rằng có ma quỷ nhập) và có xu hướng nghiện ngập (tình dục, rượu, ma túy, cờ bạc, mua sắm gây thiệt hại hàng tỷ đồng). Do đó, họ cần phải được chữa trị ngay.

2. Thích nhổ tóc

Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, cũng từng tiếp nhân những bệnh nhân Trichotillomania – căn bệnh tâm thần nghiêm trọng với biểu hiện thích, nghiện giật tóc, ăn tóc.

PGS Đức cho biết, thói quen “quái dị” này, không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây chứng viêm nhiễm da và rối loạn cấp tính, làm cho người bệnh cảm thấy xấu hổ về hình thức, ngại tiếp xúc và dẫn đến xa lánh cộng đồng và làm tăng tỷ lệ tự sát. Hơn nữa, ăn tóc quá nhiều có thể hình thành khối tóc lớn trong dạ dày, gây đau bụng và phải phẫu thuật điều trị.

PGS Đức cho biết hội chứng tâm thần này xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt có xu hướng bắt đầu từ trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các triệu chứng ban đầu không rõ ràng và thường bị bỏ qua. Hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho một bệnh nhi 11 tuổi mắc hội chứng này, trước đó, bé hay ăn tóc nhưng bố mẹ không để ý.

Tương tự thói quen nhổ và ăn tóc, cắn móng tay cũng được khuyến cáo là dấu hiệu cho một rối loại tâm thần nhưng dễ bị bỏ qua.

3. Sợ béo quá mức

Theo các chuyên gia, sợ hãi bị thừa cân và sự méo mó trong việc tự cảm nhận ngoại hình có thể dẫn tới chứng chán ăn tâm thần – một hành động có chủ tâm nhằm duy trì trọng lượng thấp (khác với bệnh chán ăn).

Triệu chứng để nhận biết chứng bệnh này là có trọng lượng thấp một cách bất thường, mất kinh (không có kinh trong ba chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp) đối với phái nữ, bận tâm quá mức đến trọng lượng cơ thể và ngoại hình,…

Phần lớn bệnh nhân mắc chứng chán ăn tâm thần rơi vào lứa tuổi thanh niên, đa phần ở độ tuổi từ 11 đến 20. Căn bệnh này có tỷ lệ tử vong xấp xỉ tới 6%, với khoảng một nửa số tử vong có nguyên nhân từ hành vi tự tử.

4. Rối loạn nhịp sinh học giấc ngủ

Bệnh nhân thường có biểu hiện khó ngủ, trằn trọc, thức dậy sớm hơn thường lệ, mất ngủ kéo dài hàng tuần thậm chí hàng tháng. Một số người bệnh rối loạn chu kỳ thức ngủ (ngày ngủ, đêm thức) mà không phải do nghề nghiệp, thói quen hoặc công việc đặc biệt khác.

5. Đa nghi

Đây có thể là những biểu hiện của bệnh tâm thần phân liệt. Bệnh nhân thường xuyên nghi ngờ cả với người thân, có hành vi theo dõi, kiểm tra… hoặc có những ý nghĩ sai lệch, không phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Vị chuyên gia cho biết người bệnh  xuất hiện những ý nghĩ kỳ lạ, không thể giải thích được như cho rằng có người đang theo dõi, hại mình và người thân của mình, hoặc có người biết mọi ý nghĩ, chi phố hành vi, việc làm của mình… Một số bệnh nhân lại cho rằng bản thân có khuyết điểm tội lỗi không thể tha thứ, có thể nảy sinh ý tưởng và hành vi tự sát.

Tâm thần phân liệt là một rối loạn có thể điều trị. Trong quá trình này, người bệnh vẫn làm việc, sinh hoạt bình thường với nhân viên y tế, người thân.

Đánh giá bài viết
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT MỚI NHẤT