Mặc dù có rất nhiều dinh dưỡng nhưng thời gian gần đây giá đỗ không còn nằm nhiều trong thực đơn của những bà nội trợ bởi sản phẩm bẩn đang tràn lan.
Giá đỗ rất giàu vitamin đặc biệt là vitamin C, khoáng chất, protein… rất cần thiết cho sức khỏe. Sau hàng loạt phát giác về giá đỗ nhiễm độc, loại rau mầm giàu dưỡng chất này đã bị nhiều bà nội trợ đưa vào danh sách đen cần loại trừ. Tuy nhiên, đừng vì sự lo sợ đó mà người tiêu dùng bỏ qua thực phẩm giàu dưỡng chất này.
Giá đỗ giúp làm đẹp da, ngừa bệnh
Giá đỗ là rau năng lượng thấp, chất béo thấp nên có khả năng trợ giúp tiêu hóa, lợi tiểu, giảm mỡ, giảm cholesterol “xấu”, vì thế người béo phì nên thường xuyên ăn để giảm mỡ máu, đẩy lùi nguy cơ bị bệnh tim mạch.
Ngoài ra, lượng vitamin C và E có trong giá đỗ giúp làm chậm quá trình lão hóa, tăng tính đàn hồi, mềm mại và bóng mịn cho làn da. Đối với da khô và sắc tố đen cũng có tác dụng nhất định, rất thích hợp cho chị em phụ nữ.
Mặc dù có rất nhiều dinh dưỡng nhưng khi sử dụng giá đỗ, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:
Giá đỗ sạch có rễ dài thân không mập, khi bấm vào cọng thấy độ giòn.
Không ăn khi bụng đói
Rau giá đỗ có tính mát, lành, nhưng những người có biểu hiện chân tay lạnh thiếu lực, đau nhức chân tay, đi ngoài phân lỏng thì không nên ăn, vì với tính hàn trong giá đỗ, nếu ăn vào sẽ làm bệnh tình nặng thêm. Đặc biệt không ăn khi bụng đói vì sẽ không tốt cho dạ dày.
Không ăn khi chưa được nấu chín
Tuy giá đỗ rất ngon và bổ dưỡng nhưng có nguy cơ ngộ độc cao, bởi giá thường làm ở nhiệt độ 30 – 35oC, đây là môi trường tốt cho vi sinh vật phát triển. Hơn nữa, người dân hay ăn giá sống, nếu chưa rửa sạch sẽ nhiễm vi sinh vật.
Vì vậy, khi dùng giá nên chần qua nước sôi, rửa và ngâm nước sạch kèm theo ít muối.
Không ăn giá đỗ thường xuyên
Giá đỗ là một loại rau khá nhiều chất dinh dưỡng, nếu loại rau này được làm theo một cách thông thường chỉ là ngâm – ủ truyền thống thì nó rất sạch sẽ và an toàn.
Tuy nhiên, hiện nay vì lợi ích kinh tế, người làm giá đỗ bán thường sử dụng một số loại thuốc kích thích để tăng năng suất. Vì thế, nếu ăn giá đỗ “bẩn” trong thời gian dài sẽ rất nhiều hệ lụy, trong đó phải kể tới bệnh nguy hiểm như ung thư.
Cách phân biệt giá sạch và giá nhiễm hóa chất
Giá đỗ không ủ hóa chất: Rễ dài như sợi chỉ, thân không mập. Cọng giá này khi bấm vào thấy độ giòn của giá, khi xào không ra nước, và khi ăn có vị thơm của đậu.
Giá dùng thuốc kích thích: Cọng giá ngắn mập, trắng, không có hoặc rất ít rễ. Hạt mầm thường nhỏ, thậm chí không có hạt mầm bám trên thân giá. Khi xào nấu, giá ra nước nhiều, và khi ăn thường không có mùi thơm của đậu.