Trang chủ Nhiếp ảnh Kinh nghiệm chụp hình Giáng sinh đẹp lung linh

Kinh nghiệm chụp hình Giáng sinh đẹp lung linh

Chụp cận cảnh những món đồ trang trí hay dùng ống kính khẩu độ mở lớn đều có thể tạo ra những hiệu ứng đẹp cho bức ảnh trong đêm Giáng sinh.

Điện thoại có thể thay thế máy ảnh trong nhiều tình huống nhưng với những dịp như Giáng sinh, một sản phẩm chuyên dụng vẫn nên được tin dùng để có được những bức hình tốt nhất. Những vật dụng cần thiết để mang theo có thể kể đến một chiếc máy ảnh đã được sạc đầy pin, thẻ nhớ còn trống nhiều hoặc mang thêm một thẻ dự trữ, đèn flash, chân máy hoặc có thể là cả kính lọc.

Một số mẹo nhỏ để có những bức hình Giáng sinh đẹp.

Kiểm soát độ sâu trường ảnh

chup-hinh-giang-sinh_09.12.15_1

Khẩu độ càng lớn, độ sâu trường ảnh càng hẹp. Ảnh: Digital Photography School.

Hãy luôn chú ý đến khẩu độ mà bạn thiết lập trên máy. Khẩu độ nhỏ nhất trên ống kính thường sẽ làm mờ hậu cảnh rất mạnh. Ngược lại, với khẩu độ càng lớn thì khoảng chi tiết từ tiền cảnh đến hậu cảnh càng rõ.

Cụ thể, như ảnh minh họa ở trên, tác giả chỉ muốn nhấn mạnh vào một ngọn nến trang trí, đồng thời tạo ra khung cảnh mờ ảo nên thiết lập khẩu độ ở f/2.8 để làm mờ tối đa các vật thể còn lại. Ngược lại, nếu muốn làm rõ tất cả thì cần thiết lập khẩu độ từ f/8 đến f/11.

Tùy chỉnh cân bằng trắng

Chọn lựa đúng chế độ cân bằng trắng mang lại màu sắc hình ảnh trung thực hơn.

Hầu hết máy ảnh số hiện nay (từ phổ thông đến chuyên nghiệp) đều được tích hợp sẵn các thiết lập cân bằng trắng tự động (Auto White Balance) cũng như các chế độ cân bằng trắng thiết lập sẵn theo môi trường. Trong nhiếp ảnh, cân bằng trắng có tác dụng mang lại màu sắc chuẩn nhất cho bức ảnh của người chụp.

Nếu chụp trong nhà, dưới ánh đèn sợi đốt, bạn có thể chọn nhanh chế độ cân bằng trắng có tên Tungsten. Với đèn huỳnh quang thì hãy chọn chế độ cân bằng trắng Fluorescent. Ngoài ra, nếu muốn màu sắc hình ảnh ấm áp hơn, người chụp có thể chọn chế độ Cloudy và ngược lại chế độ Shade sẽ làm cho màu sắc trông lạnh hơn do ngả xanh nhiều hơn.

Lấp đầy khung hình

Lấp đầy khung hình là một hiệu ứng đơn giản nhưng hiệu quả cao. Ảnh: Digital Photography School.

Lấp đầy khung hình là một thuật ngữ khác thường được dùng để chỉ việc zoom vào gần “mẫu” hơn, nhằm loại bỏ không gian thừa trong bức ảnh.

Cách chụp này không chỉ giúp mang lại độ chi tiết hình ảnh cao cần chụp mà còn mang lại người xem một cảm giác thân thuộc và gần gũi hơn – rất hợp với không khí lễ hội của mùa Noel. Đây thực sự là một mẹo đơn giản nhất trong nhiếp ảnh, nhưng hiệu quả của nó lại rất cao.

Chụp liên tục

Thiết lập chế độ chụp liên tục để không bỏ lỡ những khoảnh khắc quý giá. Ảnh: Digital Camera World.

Để không bỏ lỡ những khoảnh khắc quý giá như lúc mở hay tặng quà trong gia đình, bạn cũng có thể sử dụng chế độ chụp ảnh liên tục.

Trên một số dòng máy khác nhau chế độ này được đặt những tên gọi khác nhau như “Continuous Shooting Mode” hay “Burst Mode”. Ngay cả những dòng máy ảnh ngắm chụp (PnS) cũng có chế độ chụp liên tục này. Với chế độ này, bạn có thể chụp liên tiếp nhiều khung hình khác nhau chỉ với một lần nhấn nút chụp.

Chụp cận cảnh

Đồ trang trí cũng là những đối tượng tốt cho chụp cận cảnh. Ảnh: Digital Photography School.

Chụp cận cảnh với những món đồ trang trí trong dịp Noel cũng là một chủ đề được nhiều người quan tâm. Hầu như mọi chiếc máy ảnh số ngày nay đều được trang bị chế độ Macro. Tuy vậy, để có được một bức ảnh macro ưng ý, đôi khi bạn cũng cần đến sự trợ giúp của chân đế cho máy ảnh (tripod). Bạn cũng cần lưu ý đến giá trị khẩu độ mà mình sử dụng để kiểm soát độ sâu trường ảnh thích hợp.

Trong kỹ thuật chụp ảnh macro, ánh sáng cũng là một yếu tố quyết định tính “sống còn” của một bức ảnh. Với những dòng máy cao cấp sử dụng đèn flash tích hợp, bạn hãy lưu ý việc tùy chỉnh tăng, giảm cường độ của đèn tích hợp. Với flash rời, đừng bao giờ đánh đèn trực tiếp vào đối tượng cần chụp.

Đèn flash

Tăng/giảm cường độ đèn flash tích hợp. Ảnh: Digital Camera World.

Với các dòng máy compact, đôi khi người dùng thường không có nhiều tùy chọn đáng giá cho flash tích hợp. Nếu có điều kiện đầu tư một đèn flash rời, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn. Tuy vậy, trong nhiếp ảnh, để tránh trường hợp nhân vật trong hình quá sáng và bóng phía sau quá gắt do ánh sáng đánh trực tiếp vào, bạn có thể gia giảm cường độ đèn hoặc sử dụng kỹ thuật sử dụng ánh sáng phản xạ (Flash Bouncing).

Nếu sử dụng kỹ thuật này, bạn cần chú ý đến màu sắc của bề mặt phản xạ ánh sáng và tăng/giảm công suất đèn từ một đến 2 stop tùy theo khoảng cách từ đèn đến bề mặt phản xạ. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng chế độ slow sync mode để đảm bảo độ sáng hậu cảnh trong khi vẫn dùng.

Lưu ý khi chụp nhóm người

Thiết lập khẩu độ ở mức tối thiểu f/5.6 để các đối tượng trong khung hình được rõ nét. Ảnh: Digital Photography School.

Để có những khung hình chụp nhóm nhiều người, không nên mở khẩu độ lớn mà hãy thiết lập trị số f ở mức 5.6 hoặc lớn hơn để đảm bảo mọi người trong khung hình được rõ nét. Người chụp cũng có thể tiến gần nhóm hơn và sử dụng kỹ thuật lấp đầy khung hình như đã trình bày ở trên.

Với nhóm có số lượng người đông đúc, bạn nên tìm một vị trí cao hơn để chụp từ trên xuống và nên sử dụng tiêu cự góc rộng để có thể lấy được nhiều người hơn vào khung hình.

Chụp những ngọn đèn trang trí

Thiết lập ISO ở mức cao nếu không muốn sử dụng đèn Flash. Ảnh: Digital Photography School.

Tripod là một phụ kiện không thể thiếu để có được những bức ảnh lung linh huyền ảo từ những ngọn đèn trang trí trong dịp Noel. Nếu chụp ngoại cảnh, bạn nên đi vào khoảng thời gian trời bắt đầu tắt nắng nhưng phải trước thời điểm trời tối hẳn. Vì lúc này, bầu trời không quá tối hay quá sáng và vẫn đủ làm nền cho những ngọn đèn trang trí. Nên tránh chụp ở những nơi có nhiều xe cộ qua lại để tránh ánh đèn xe di chuyển in dấu trên khung hình.

Thực tế, một chiếc máy ảnh phổ thông cũng đủ tốt để ứng dụng kỹ thuật này. Nếu không muốn dùng flash, hãy thử thiết lập ISO ở mức 800. Nếu chụp trong nhà, bạn cũng có thể thiết lập cân bằng ở trắng chế độ Tungsten vì đa phần đèn trang trí đều được thiết kế tương tự dạng đèn sợi đốt.

Tự thiết kế studio chụp chân dung

Bạn có thể tự thiết kế một studio tại nhà. Ảnh: Digital Photography School.

Nếu bạn có một không gian đủ rộng, một tấm vải làm phông nền, một chiếc máy ảnh số, bạn cũng có thể tự làm một studio theo ý mình.

Nếu không có sẵn flash rời, bạn vẫn có thể lợi dụng nguồn sáng liên tục từ đèn neon trong nhà, miễn sao khuôn mặt đối tượng chụp đủ sáng là được. Nếu muốn tự chụp chân dung mình, bạn có thể sử dụng chế độ chụp hẹn giờ, tripod và bố cục khung hình trước một cách cẩn thận.

Theo Sohoa

Đánh giá bài viết
Exit mobile version