Trong những ngày thời tiết nóng bức hoặc khi mặc quá nhiều quần áo, ăn uống vội vàng, vận động quá mạnh, da tiết nhiều mồ hôi là hiện tượng bình thường. Nếu như ngay trong lúc ngồi yên, nhiệt độ không khí bình thường mà mồ hôi vẫn tiết xuất nhiều một cách dị thường thì đó là hiện tượng bệnh lý, Đông y gọi là “hãn chứng”.
Bệnh gồm 4 loại chính:
– Ra mồ hôi lúc nằm ngủ, thức dậy thì hết, gọi là “đạo hãn” (mồ hôi trộm).
– Ra mồ hôi lúc thức, không phải do lao động nặng nhọc hoặc thời tiết nóng, gọi là “tự hãn” (tự ra mồ hôi).
– Ra mồ hôi ở một khu vực nhất định như đầu, trán, ngực, nách, nửa người bên trái hoặc bên phải, ở chân, tay… gọi là “cục bộ hãn”. Trong đó, ngũ tâm hãn xuất (mồ hôi ra nhiều ở lòng bàn chân, bàn tay và trước ngực) là loại hay gặp nhất.
– Mồ hôi dị thường như đặc quánh tựa dầu, màu vàng (hoàng hãn), màu đỏ (hồng hãn), có mùi khai hoặc hôi.
Theo Đông y, nguyên nhân dẫn đến hãn chứng chủ yếu do âm hư hoặc dương hư.
Biểu hiện âm hư: Mồ hôi vã ra chủ yếu khi nằm ngủ (đạo hãn). Sắc mặt thường bừng đỏ từng hồi nhất là hai gò má; chất lưỡi đỏ ít rêu; họng khô rát hoặc ho khan ít đờm; lòng bàn chân bàn tay và trước ngực thường hâm hấp nóng, hay sốt nhẹ về chiều.
Biểu hiện dương hư: Mồ hôi tiết ra chủ yếu về ban ngày, lúc thức, nhưng đôi khi cả lúc nằm ngủ. Kèm theo các triệu chứng như: sắc diện không tươi hoặc trắng nhợt, lưỡi trắng nhợt; hơi gắng sức về đầu óc hoặc thể lực một chút là đã thấy mệt mỏi, hoặc thở hổn hển, bồn chồn, trống ngực. Người “dương hư” còn chịu lạnh kém và có 2 đặc điểm nổi bật là: đầu ngón chân thường hơi lạnh, chỉ vận động một chút là mồ hôi vã ra đầm đìa.
Để chữa trị, về phương diện ăn uống, người dương hư cần tránh ăn những món ăn cay nóng kích thích tiết mồ hôi và các món sống lạnh tổn hại dương khí. Người âm hư cần tránh ăn quá nhiều các món xào rán béo ngậy để tránh “hỏa” tích tụ ở bên trong, khiến bệnh thêm nặng. Mặt khác, tùy theo điều kiện và triệu chứng cụ thể, có thể lựa chọn một số món ăn sau đây để chữa:
Canh lươn: Lươn 150-200 g. Dùng nước nóng rửa lươn cho hết nhớt; mổ bụng bỏ nội tạng, thái nhỏ, rán với chút dầu ăn hoặc mỡ cho vàng thẫm; thêm nước vào nấu canh ăn mỗi ngày một lần, liên tục 3 ngày. Tác dụng: Chữa mồ hôi trộm do âm hư.
Cháo lươn: Thịt lươn 50-60 g, gạo tẻ nhiều ít tùy theo sức ăn. Nấu thành cháo chia ra ăn buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Tác dụng: Chữa mồ hôi trộm do cơ thể suy yếu sau khi bị bệnh.
Thịt trai hầm với hẹ: Dùng thịt trai (hoặc thịt hến, thịt hàu) 30 g, rau hẹ 60 g. Thịt trai ngâm nước ấm một lúc, cho hẹ đã cắt ngắn vào, hầm chín, ăn trong các bữa cơm. Tác dụng: Tư âm tráng dương, dùng chữa mồ hôi trộm do cơ thể suy yếu.
Ô mai đại táo thang: Dùng ô mai, táo Tàu mỗi thứ 10 quả; sắc hai nước, hợp lại chia ra uống trong ngày; liên tục 10 ngày. Tác dụng: Dùng chữa ra mồ hôi quá nhiều do âm hư.
Hoàng kỳ hầm táo thang: Dùng hoàng kỳ 15 g; táo Tàu 20 quả. Sắc với nước, đun nhỏ lửa trong khoảng 1 giờ; chia 2-3 lần uống nước thuốc và ăn táo; liên tục 15 ngày. Tác dụng: Chữa ra mồ hôi quá nhiều do dương hư.
Tim lợn hầm đương quy: Tim lợn 1 cái, đẳng sâm 10 g, đương quy 6 g. Tất cả đem hầm chín, thêm gia vị, ăn tim lợn và uống nước canh. Tác dụng: Chữa mồ hôi ra quá nhiều do cơ thể suy nhược. Còn có tác dụng chữa trẻ nhỏ mất ngủ, khóc đêm.
Dạ dày hầm gạo nếp: Dùng dạ dày dê (hoặc dạ dày lợn) 1 cái, gạo nếp 60 g, táo Tàu 15 quả (bỏ hạt). Dạ dày làm sạch, gạo nếp ngâm nước một lúc cho mềm, cùng với táo nhồi vào dạ dày, dùng dây buộc kín lại, cho vào nồi gốm nấu cách thủy cho chín nhừ; thái nhỏ chia ra ăn trong các bữa cơm. Tác dụng: Bổ khí huyết, tăng cường tiêu hóa, chữa cả đạo hãn và tự hãn.
Nước sắc hạt sen, rễ lúa nếp: Dùng rễ lúa nếp 30 g, hạt sen 30 g. Rễ lúa nếp rửa sạch, hạt sen bóc vỏ lụa và tâm sen; sắc nhỏ lửa cho đến khi hạt sen chín nhừ. Ăn hạt sen và uống nước thuốc. Tác dụng: Chữa mồ hôi ra quá nhiều do cơ thể chưa hồi phục sau khi bị bệnh.
Nước sắc táo Tàu, rễ lúa nếp: Dùng rễ lúa nếp 30-60 g, táo Tàu 6-7 quả; sắc nước uống trong ngày. Tác dụng: Chữa cả tự hãn và đạo hãn.
Hắc đậu viên nhục đại táo thang: Dùng đậu đen 30 g, long nhãn 10 g, táo Tàu 30g. Tất cả rửa sạch, cho vào nồi đất, sắc nhỏ lửa khoảng một giờ, chia hai lần uống trong ngày; liên tục 15 ngày. Tác dụng: Chữa ra nhiều mồ hôi do cơ thể suy yếu.