Lá vông còn có tên khác là vông nem (vì lá được dùng để gói nem), hải đồng, thích đồng… Từ lâu, lá vông được nhân dân nhiều địa phương dùng làm thuốc an thần, chống lo âu, phiền muộn, nhức đầu, chóng mặt. Để chữa mất ngủ, người ta lấy lá vông (loại bánh tẻ) rửa sạch, luộc hoặc nấu canh ăn hằng ngày; có khi còn phối hợp với lá dâu non. Người bị huyết áp cao và trẻ em hay đổ mồ hôi trộm nên dùng.
Bạn có thể chữa chứng mất ngủ bằng rượu ngâm lá vông: Lá vông phơi khô 100 g, thái nhỏ, ngâm với 1 lít rượu 30-40 độ trong 15-20 ngày, càng lâu càng tốt. Ngày uống 10-20 ml.
Các nghiên cứu dược lý cho thấy lá vông có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, làm yên tĩnh, gây ngủ, hạ huyết áp mà không có hiện tượng ngộ độc. Nhiều dạng thuốc có lá vông chữa mất ngủ đã được bào chế để tiện cho việc sử dụng.
Nước sắc: Lá vông phơi khô 8-16 g, cắt nhỏ, sắc với 200 ml nước còn 50 ml, uống làm một lần trong ngày.
Thuốc hãm: Lá vông 16 g, táo nhân 10 g (sao đen), tâm sen 5 g (sao thơm). Tất cả trộn đều, vò vụn, hãm với 1 lít nước sôi. Để nguội thêm hoa nhài tươi (2-3 bông), rồi uống làm nhiều lần trong ngày.
Cao lỏng: Lá vông, lạc tiên mỗi vị 400 g; lá gai, rau má mỗi vị 100 g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, nấu với nước 2-3 lần, chắt nước, lọc rồi cô lấy 700 ml. Thêm đường 1.000 g, cô còn 1 lít thành phẩm. Ngày uống 40 ml chia làm hai lần.
Viên bao “vông-sen”: Gồm cao khô lá vông (0,06 g, tương đương với 1 g lá khô), cao khô lá sen (0,05 g bằng 1 g lá khô), l.tetrahydropalmatin (0,03 g hoạt chất chiết từ củ bình vôi), tá dược vừa đủ cho một viên. Người lớn dùng 2-4 viên một ngày. Một đợt điều trị: 10-15 ngày. Khoa thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội đã dùng viên bao này cho 100 bệnh nhân uống và nhận thấy tác dụng an thần tốt, gây ngủ nhanh, giấc ngủ kéo dài, êm dịu; khi tỉnh giấc không thấy mệt mỏi, so với dùng meprobamat. Viên vông-sen đã được sản xuất rộng rãi để dùng trong nước và xuất khẩu.
Một số bài thuốc khác từ lá vông
Chữa chảy máu mũi, đại tiện ra máu: Lá vông phối hợp với lá sen sắc uống.
Chữa lòi dom: Lá vông và lá sen giã nát lấy nước uống; bã chưng nóng rịt vào hậu môn.
Để chữa sa dạ con: Lấy lá vông 30 g, lá tiểu kế 20 g, hạt tơ hồng 20 g, giã nhỏ, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày; kết hợp lấy 10 hạt thầu dầu tía, giã nát với giấm, đắp và băng lại. Hoặc: Lấy lá vông nấu với lá cỏ xước và cá trê, rồi ăn cả cái lẫn nước.