Mùa lạnh, mọi người dễ bị mắc một số bệnh như cảm cúm, viêm mũi, viêm họng. Do vậy, việc ăn uống, dưỡng sinh và phòng trị bệnh là rất quan trọng. Cần giữ ấm tránh lạnh, không hoạt động quá nhiều làm hao tán thể lực. Sáng dậy nên xoa lòng bàn tay, bàn chân. Nếu bị trúng cảm, ho, chân tay phát cước có thể áp dụng một trong các phương cách sau:
– Trị cảm phong hàn: Gạo tẻ 60 g, gừng tươi 20 g, hành củ tươi 30 g, muối ăn vừa đủ. Gạo vo sạch cho nước vừa đủ hầm nhừ thành cháo. Hành rửa sạch thái nhỏ, gừng tươi rửa sạch thái thành hạt nhỏ. Khi cháo chín cho hành, gừng, muối vào khuấy đều ăn lúc nóng. Bài thuốc giúp ra mồ hôi, giải biểu, hòa vị, hết nôn, thích hợp với người sốt, đau đầu, sợ lạnh không ra mồ hôi.
– Trị cảm mạo, nhuận phế, hết ho: Rau mùi 30 g, hành củ tươi 5 củ, củ cải trắng 1 củ. Rau mùi rửa sạch thái nhỏ, hành củ rửa sạch thái ngắn, củ cải rửa sạch thái miếng. Cho tất cả vào nồi, cho thêm 500 ml nước đun sôi trong 15 phút, chắt lấy nước uống lúc nóng. Có thể thay thế bài thuốc sau: Bối mẫu 6 g, trứng gà 1 quả. Bối mẫu sao vàng (sấy khô) tán thành bột mịn. Khoét một lỗ đầu quả trứng gà cho vào 6 g bột bối mẫu, dùng giấy dán bít lỗ lại. Đặt trứng vào bát cố định đầu lỗ ở phía trên, chưng cách thủy 15 phút. Ngày ăn 1 quả, một liệu trình là 10 ngày.
– Trị ho, viêm họng, nhuận phổi: Nhân hạt bí đao 20 g, đường đỏ 30 g. Nhân hạt bí đao rửa sạch, giã nát. Trộn nhân hạt bí đao đã giã nát với đường đỏ, khi dùng cho hãm với nước sôi (300 ml) chắt lấy nước uống khi còn nóng. Ngày uống 2 lần, uống liên tục từ 7-10 ngày. Nếu người bệnh phát nhiệt sợ lạnh, mệt mỏi, khắp người khó chịu có thể dùng bài thuốc: Hoắc hương 50 g, đường đỏ 20 g, gừng tươi 15 g. Hoắc hương rửa sạch, thái ngắn, gừng rửa sạch thái mỏng. Cho hoắc hương, gừng tươi vào nồi đổ thêm 300 ml nước đun sôi sau 10 phút, gạn lấy nước cho đường vào khuấy tan uống lúc nóng, uống liền 5 thang.
– Trị ngoại cảm phong hàn, đau đầu, ra mồ hôi: Quế chi 10 g, bạch thược 10 g, gừng tươi 10 g, đại táo 5 quả, đường đỏ 30 g. Rửa sạch các vị trên, cho vào nồi, thêm 500 ml nước đun sôi, sau 10 phút chắt ra lấy nước cho đường vào quấy tan uống lúc nóng. Dùng liên tục từ 5 – 7 ngày.
Đối với người chân tay lạnh phát cước có thể áp dụng xoa bóp bấm huyệt để giảm triệu chứng. Các huyệt chủ trị là dũng tuyền, cách lấy huyệt dũng tuyền (phần lõm của lòng bàn chân). Huyệt túc tam lý, nằm thẳng xuống phía dưới gối, cách hõm mé ngoài của đầu gối khoảng 5 cm. Huyệt bá phong (8 huyệt nằm ở giữa các ngón chân). Ở tay là huyệt lao cung (lõm giữa của lòng bàn tay hoặc nắm nhẹ các ngón tay, huyệt ở giữa kẽ của ngón đeo nhẫn và ngón giữa). Huyệt thập tuyên là điểm chính giữa của đầu mỗi ngón tay. Huyệt hợp cốc là hõm giữa mô của ngón cái và ngón trỏ, phía mu bàn tay, khi căng hai ngón tay này huyệt sẽ xuất hiện.