Friday, December 13, 2024
Trang chủCắm hoaBí quyết cắm hoa tươi lâu

Bí quyết cắm hoa tươi lâu

Nhiều người hay hỏi tại sao các shop bán hoa luôn giữ được hoa tươi lâu trong khi ở nhà thay nước liên tục hoa vẫn nhanh héo? Sau đây là một vài bí quyết giúp bạn có được bình hoa lâu tàn trong nhà và tất nhiên là phải áp dụng ngay từ khi hoa lìa khỏi cây.

cat-canh-hoa

1. Thời điểm cắt hoa
Sáng sớm là thời điểm lý tưởng nhất vì hoa vẫn còn “hấp thụ” không khí mát mẻ của buổi đêm và sương của buổi sáng trong khi cành hoa thì đang “no nê” nước. Ngay khi cắt xong phải cho vào chậu nước, nên dùng chậu nhựa vì chậu kim loại như nhôm sẽ ảnh hưởng đến độ cân bằng pH của nước. Tùy vào loại hoa mà chọn thời điểm thu hoạch phù hợp. Với loại 1 bông trên 1 cành thì nên cắt khi hoa đã nở rộ còn loại nhiều bông trên 1 cành thì ít nhất phải có 1 bông tỏa sắc và 1 bông chớm nở lúc bạn muốn cắt.

2. Cách cắt
Phải dùng kéo cắt hoa chuyên nghiệp, cắt xéo góc 45 độ. Phải bỏ tất cả lá nếu nằm dưới mặt nước vì nếu không vi khuẩn sẽ làm nước nhanh hôi.

3. Cách chuẩn bị cành trước khi cắm
Cành cứng:
Các loài hoa có cành cứng như mào gà, cúc vạn thọ, salem, đồng tiền cần cắt cành theo đường chéo và giữ trong bình nước ấm pha chất bảo quản ít nhất 1 tiếng trước khi cắm.
Cành rỗng:
Cành của các loại hoa như hoa loa kèn, thược dược, phi yến, thục quỳ lúc nào cũng cần phải được “bơm nước”. Chúc cành hoa xuống dưới rồi đổ nước từ từ vào các khoang rỗng trong cành, sau đó nhét bông gòn để bít lại. Hoặc ngay sau khi cắt cành thì lấy ngón tay cái bịt lại rồi bỏ ngay vào chậu nước, làm như thế nước có sẵn trong cành sẽ không bị mất đi và thân cây mới đứng thẳng được lâu.
Cành mềm:
Các loại hoa có rễ là củ như dạ lan hương, diên vĩ hay tulip có cành mềm nên phải cắt ngay khi lá xanh mới nhú lên, cắt ngay trên củ. Cắm ngay vào bình nước lạnh vì loại hoa này nở khi không khí và đất ở nhiệt độ thấp.
Cành gỗ:
Đối với các loài có cành gỗ như tử đinh hương, sơn thù du, thạch nam… cần phải chẻ phần gốc để chúng dễ hút nước nuôi hoa.
Cành ra nhựa
Các loài cây mà cành ra nhiều nhựa hay sáp (nhiều người hay gọi là mủ) như trạng nguyên, dạ yến thảo… cần được xử lý trước khi cắm chung với các loài hoa khác để tránh mủ cây sẽ bít đường hút nước của chúng. Cách xử lý: nhúng đầu cành vào nước đang sôi hoặc hơ trên đèn cầy khoảng 30 giây.

4. Nhiệt độ nước trong bình
Ngoại trừ các loai hoa có rễ củ là thích nước lạnh, còn lại đa số đều phù hợp với nước ở nhiệt độ từ 37,8 0C đến 43,3 0 C vì phân tử nước ấm di chuyển nhanh hơn nên đưa nước đến hoa dễ dàng hơn.

5. Chất doping
Cách thông thường nhất là cho 1 viên aspirin vào nước để giữ hoa tươi lâu hoặc bỏ vào một đồng xu vì chất đồng trong xu đóng vai trò là chất a xít hóa. Bạn cũng có thể tự “bào chế” chất doping cho hoa theo công thức: hòa 1 phần soda chanh (loại có đường) với 3 phần nước rồi thêm chút xíu chất tẩy trắng (để giữ cho nước trong); hoặc 2 muỗng nước cốt chanh, 1 muỗng đường, 1 chút xíu chất tẩy trắng. Cách thông thường nhất là bỏ 1 đồng xu vào bình nước vì đồng trong xu là chất a xít hóa.

lat-bot-canh-va-la
6. Một số lưu ý:
– Không đặt bình hoa ở chỗ nóng (gần ti vi, trên tủ lạnh) và có ánh mặt trời chiếu trực tiếp; tốt nhất là cho bình hoa được “qua đêm” ở chỗ thật mát mẻ.
– Không đặt bình hoa sát bên cạnh rổ trái cây chín vì khí ethylene toát ra từ trái cây sẽ làm hoa nhanh tàn.

Đánh giá bài viết
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT MỚI NHẤT