Sunday, January 19, 2025
Trang chủMẹo vặtBí quyết thịt heo

Bí quyết thịt heo

Từ canh, kho, luộc, xào… món nào cũng có sự góp mặt của thịt heo. Chúng đã trở thành nguyên liệu phổ biến trong mọi bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình.
Bạn chỉ có thể tìm mua các loại thịt như dê, bê… tại một vài khu chợ đặc biệt, một số cửa hàng hay siêu thị. Còn thịt heo thì khác, siệu thị, chợ lớn hay chợ nhỏ cũng đều bán, thậm chí bạn tạt vào một quán nhỏ ven đường cũng có thể mua được.

ucb1370221947

Thịt heo: Nguyên liệu của nhiều món ăn ngon

Sở dĩ loài thịt này được ưa chuộng như thế là do chúng dễ ăn, dễ chế biến theo nhiều cách như nướng, luộc, kho, chiên hay xào, làm chà bông…

Chỉ cần thêm ít hạt nêm, nước mắm, đường và tiêu là đã có ngay món thịt kho hấp dẫn cho bữa cơm ngày thường. Vào những dịp đặc biệt, bạn có thể chiêu đãi gia đình, bạn bè những món cầu kỳ hơn như thịt heo hầm rượu đỏ, thịt heo giả cầy…

Bên cạnh đó, thịt heo thích hợp với khẩu vị của hầu hết mọi người từ người già đến trẻ nhỏ, người khỏe đến người ốm. Phụ nữ sau khi sinh em bé chọn cách tẩm bổ cho lợi sữa bằng chân giò hầm đu đủ xanh. Những người lớn tuổi thường thích một bát cháo thịt băm vào những ngày trở trời…

Đặc biệt, đây là một trong những loại thịt được xem là “lành tính” nên hầu như không gây dị ứng cho người dùng. Chinh phục mọi người nhờ vị ngon và sự bổ dưỡng.

Để chuẩn bị món ăn cho bữa cơm hàng ngày, chúng ta dùng thịt đùi, thân, sườn non…

Dịp nào hơi đặc biệt, chúng ta có những món như phá lấu bao tử ăn kèm với bánh mì, đuôi heo ngũ vị hay một đĩa gan, cật cháy tiêu xanh và tỏi thơm lừng để thay đổi khẩu vị…

Điều đó có nghĩa là tất cả các bộ phận của con heo đều được sử dụng, từ thịt, sườn đến ngũ tạng. Thế mới biết thịt heo được yêu thích như thế nào!

Chọn thịt cho món ăn ngon

Không phải ai cũng biết phân biệt và chọn đúng phần thịt thích hợp khi chế biến các món ăn. Rất đơn giản, hãy nhìn vào họa đồ bên dưới:

1. Thịt vai: Thích hợp để luộc, thái lát hay sợi để trộn gỏi, xào mì vì chúng mềm và ít mỡ.

2. Đùi trước: Luộc nguyên đùi để cúng hay bày cỗ. Có thể rút xương luộc, thái khoanh cuộn bánh đa nem.

3. Chân giò: Dùng để hầm canh với củ quả như đu đủ, củ sen. Cũng có thể dùng cho món canh, bún, cháo…

4. Mỡ lưng: Dùng để thắng tép mỡ, mỡ nước để làm món mỡ hành hay cho vào thịt kho, cá kho…

5. Thăn chuột: Thích hợp chế biến món ăn cho trẻ em, người lớn tuổi vì thịt mềm ít mỡ.

6. Sườn non: Ngon nhất là nướng BBQ. Ngoài ra còn có thể hầm súp, ram mặn, kho.

7. Ba rọi: Có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như chiên, kho tàu, ram mặn, xào…

8. Đùi sau: Không thể thiếu khi nấu món thịt kho tàu, kho măng. Nấu bánh canh, thịt đông, luộc…

Vài lưu ý khi chọn mua thịt

– Chọn mua thịt có màu hồng tươi, không dính khi dùng đầu ngón tay ấn vào và thịt có tính đàn hồi cao, ngửi không thấy mùi.

– Không chọn thịt heo già (heo sề) vì sau khi chế biến món ăn sẽ bị khô hoặc bở. Đặc điểm của loại thịt này là da dày và thô.

– Tuyệt đối không mua loại thịt có màu đỏ bầm hay màu hơi thâm đen, mỡ có màu đỏ ối, các mạch máu nổi lên, tụ máu và có máu đỏ tía, da có hiện tượng lốm đốm… Vì đó có thể là thịt nhiễm bệnh, rất nguy hiểm cho sức khỏe. Chỉ nên mua thịt rõ nguồn gốc, được kiểm dịch tại các chợ, siệu thị.

Bảo quản thịt

– Khi mua thịt về mà chưa dùng ngay, có thể rửa sạch, để ráo, dùng khăn sạch lau cho khô, gói vào giấy sạch và cho vào ngăn chứa thịt trong tủ lạnh. Tuy nhiên, nên sử dụng thịt trong ngày để đảm bảo thịt được tươi.

– Nếu muốn bảo quản trong thời gian lâu, cho thịt vào ngăn giữ đông. Nhưng không nên trữ trong thời gian quá dài vì thịt sẽ mất đi nhiều dưỡng chất. Nên chia thịt thành nhiều phần nhỏ để sử dụng hợp lý và dễ dàng hơn.

Chế biến

– Với thịt đông lạnh, trước khi chế biến nên ngâm trong nước muối pha nhạt. Cách này giúp rã đông nhanh và giữ được độ tươi ngon của thịt, giảm thiểu sự tổn hao chất dinh dưỡng.

– Khi chiên thịt, nên dùng nhiều dầu ăn cùng với lửa để thịt chín đều bên trong và vàng giòn bên ngoài.

– Món canh, hầm sẽ ngon hơn và tiết ra nhiều chất ngọt nếu nấu với lửa nhỏ hoặc dùng nồi áp suất.

– Thịt xào sẽ chín mềm và đậm đà khi bạn ướp thịt với hạt nêm rồi xào nhanh trên lửa lớn.

– Món thịt nướng vẫn mềm mà không khô nếu trong lúc nướng ta phết phần nước ướp lên thịt cho đến khi chín vàng.

– Thêm ít hạt nêm và vài tép tỏi vào nồi nước luộc thịt sẽ giúp thịt có hương vị thơm ngon.

Bí quyết sử dụng gia vị cơ bản

Nước mắm: Không thể thiếu trong món kho, ram. Dùng để ăn sống cùng cá, pha chua ngọt chấm chả giò… Khi mua, chọn nước mắm có độ đạm cao, màu nâu vàng sóng sánh, hương thơm tự nhiên.

Tương ớt: Tăng hương vị và làm món nướng, chiên như mực nướng, cánh gà chiên… hấp dẫn hơn. Ngoài ra, tương ớt còn dùng để ướp, làm gia vị cho món xào, tạo vị cay độc đáo cho món canh chua, lẩu cay.

Nước tương: Thường dùng để chấm hay ướp thức ăn, làm gia vị cho các món xào… Khi nấu những món có nước tương, không nên cho nhiều hay nấu quá lâu vì sẽ tạo vị chua và làm thức ăn bị đen.

Tiêu: Loại gia vị phổ biến trong các món ăn Việt Nam. Chúng mang đến hương thơm nồng kích thích khẩu vị. Nên cho vào sau cùng, khi đã tắt bếp để giữ hương thơm đặc trưng của loại gia vị này.

Đường: Mang đến vị ngọt, điều chỉnh khẩu vị cho các món ăn như gỏi, canh chua, thịt ram… Tuy nhiên chỉ nên sử dụng một lượng vừa phải. Món ăn sẽ không ngon vì hương vị sẽ giảm đi đáng kể nếu cho quá nhiều đường.

Đánh giá bài viết
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT MỚI NHẤT